Theo các chuyên gia, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 hoàn toàn có thể kiểm soát được và xoay quanh mức từ 4 đến 4,5%.
Chính sách điều hành giá linh hoạt giúp CPI năm 2024 đạt mục tiêu
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, CPI năm 2024 tăng thấp có nguyên nhân là do giá thế giới tăng thấp, lạm phát thế giới hạ, giảm áp lực lạm phát từ bên ngoài. Mặc dù tăng trưởng GDP cao song cầu nội địa vẫn thấp (thấp nhất từ năm 2022) do người dân thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, giá lương thực-thực phẩm không tăng cao (trừ thời gian ngắn sau bão Yagi tháng 9/2024) do Việt Nam là nước sản xuất nông sản lớn, nguồn cung dồi dào.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này đánh giá rất cao các biện pháp điều hành giá của Nhà nước. Trong năm 2024, giá năng lượng (điện, than, xăng dầu) do Nhà nước quản lý và điều tiết. Chính phủ kiên trì thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam liên tục duy trì lạm phát thấp (dưới 4%). Các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá ổn định (dự trữ ngoại hối cao, cán cân thương mại xuất siêu, nợ công trên GDP thấp) giúp giảm áp lực lạm phát.
Cũng theo các chuyên gia, năm 2024, giá các mặt hàng do nhà nước định giá đã được điều hành thận trọng: giá dịch vụ y tế không thay đổi; giá điện được điều chỉnh 1 lần; giữ mức học phí như năm ngoái… Việc kiểm soát tốt các mặt hàng giá này đã góp phần quan trọng trong kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, các chính sách điều chỉnh thuế phí, chính sách tiền tệ cũng góp phần cho mục tiêu điều hành chung. Ngoài ra, một điểm khách quan khác là sự hạ nhiệt lạm phát thế giới giúp cũng giúp hạ nhiệt nhập khẩu lạm phát, góp phần cho kết quả chung.
Mục tiêu CPI năm 2025 có thể đạt được
Chia sẻ về các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như mục tiêu kiểm soán CPI năm 2025, TS Lê Quốc Phương nói, trên thế giới, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng hạ. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng Trung ương hạ dần lãi suất, kinh tế thế giới dần phục hồi, cầu thế giới hồi phục nhẹ. Điều này sẽ góp phần tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và Việt Nam – một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, rủi ro cũng đến khi lạm phát toàn cầu hạ song song còn tiềm ẩn nguy cơ tăng lại. Các điểm nóng xung đột chưa hạ nhiệt, thậm chí gia tăng. Các chính sách bảo hộ của chính quyền Trump 2.0 dự báo sẽ tác động nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi đây là thị trường lớn nhất của hàng Việt. Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt cũng gây áp lực tăng giá, nhất là các mặt hàng thuộc nhóm nông sản.
Ở trong nước, Chính phủ mới nâng mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 đạt “trên 2 chữ số” (tức trên 10%). Để đạt mục tiêu này, sẽ có nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng được triển khai. Bên cạnh đó, sau một thời gian giữ ổn định để đảm bảo kinh tế vĩ mô, giá dịch vụ y tế, giáo dục dự báo sẽ tăng theo lộ trình. Giá năng lượng (xăng dầu, điện, than) có thể tiếp tục tăng
“Dựa trên các yếu tố thuận lợi, bất lợi trên thế giới và trong nước tác động lên lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2025 từ 4,2%-4,5% (nếu không xảy ra các yếu tố đột biến), vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP, vừa không tăng quá mục tiêu Quốc hội cho phép (tăng không quá 4,5%)” – TS Lê Quốc Phương nêu quan điểm.
Đồng ý kiến, theo PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động ở mức 3,5-4,5%. Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát giá cả. Trong đó, việc theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời là cần thiết để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2025.
Trước đó, tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước quý IV năm 2024 diễn ra ngày 7/1/2025, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân – Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết, năm 2024, các chỉ số đều đạt, trong đó CPI đạt 3,63% (mức trần là 4,5%). Nhưng nếu kiềm chế CPI thấp quá cũng không phải là tốt.
“Năm 2025, trên đà năm 2024 đang khí thế, là cơ hội để tăng tốc, bứt phá đạt các mục tiêu kinh tế. Cho nên công tác tham mưu điều hành thị trường cũng phải tính toán sao cho linh hoạt. Có thể đẩy kịch bản CPI tiệm cận với chỉ số quốc hội cho phép là 4,5% để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo điều kiện cho tăng trưởng” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh. Đồng thời, cho biết không chỉ năm 2025 mà những năm tiếp theo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tuyên bố phát triển ở mức 2 con số, cho nên công tác tham mưu điều hành phải kịp thời điều chỉnh thích ứng với thị trường.