Năm 2024 du lịch biển đảo Vân Đồn, Cô Tô có nhiều chuyển động mạnh mẽ, tạo sức hút lớn với du khách. Triển vọng kết nối 2 thương hiệu du lịch biển này hướng tới những tuyến, sản phẩm du lịch khác biệt, giàu tính cạnh tranh ngày càng định hình rõ rệt, nhận được sự quan tâm lớn.
Bãi biển Minh Châu (huyện Vân Đồn) đón đông đảo du khách tới trải nghiệm dịp mùa du lịch hè 2024.
Sức quyến rũ khó cưỡng
Đến với du lịch Quảng Ninh, nhất là vào mùa hè, bên cạnh Vịnh Hạ Long, nhiều người không thể bỏ qua điểm đến đã nằm trong cẩm nang du lịch của các tín đồ ưa xê dịch, như: Minh Châu, Quan Lạn… ở Vân Đồn hoặc những thắng cảnh nguyên sơ như: Hồng Vàn, Vàn Chảy, đảo Thanh Lân… ở Cô Tô. Hai thương hiệu du lịch biển này năm qua đã có nhiều hoạt động sôi động, đổi mới, sản phẩm công phu, đẳng cấp, níu chân du khách.
Vân Đồn không chỉ là du lịch tâm linh, nơi đây đã thực sự trở thành điểm du lịch đa trải nghiệm, sôi động. Đón đầu mùa du lịch năm 2024, Vân Đồn đã tổ chức sôi động các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn huyện. Tiêu biểu là dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Vân Đồn tổ chức 5 sự kiện lớn với nhiều hoạt động hấp dẫn, như: Ca nhạc Gala Dinner tại Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn; khai mạc Vân Đồn chào hè năm 2024 tại Khu đô thị Phương Đông (xã Đông Xá); chuỗi các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại Khu đô thị Phương Đông (các show ca nhạc bãi biển, cuộc thi nhảy, trải nghiệm khinh khí cầu, đại nhạc hội, các hoạt động giải trí, ẩm thực…).
Hòa cùng không khí sôi động, xã Minh Châu, xã Quan Lạn đồng loạt tổ chức các chương trình khai mạc du lịch biển đảo hè 2024, chính thức ra mắt Tuyến phố đi bộ xã Minh Châu, xã Quan Lạn. Tại đây diễn ra các hoạt động tham quan, trải nghiệm, sử dụng dịch vụ của du khách tại các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.
Trải nghiệm hoạt động thể thao Sonasea Vân Đồn cùng nhiều sản phẩm mới của du lịch Vân Đồn gây ấn tượng với du khách năm qua.
Không chỉ sôi động, du lịch Vân Đồn dần trở thành một điểm đến “hot” với nhiều sản phẩm mới đặc sắc. Vân Đồn làm mới mình khi đưa 13/14 sản phẩm mới vào hoạt động, đón khách năm 2024. Đó là các trải nghiệm cắm trại, thể thao, tiệc cưới ngoài trời; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với rèn luyện sức khỏe ở Sonasea Vân Đồn, Angsana Quan Lạn… đáp ứng đa dạng nhu cầu, kể cả với dòng khách cao cấp. Cuối năm qua, du khách còn được hoà mình vào không gian tuyệt đẹp của Lễ hội Cam (xã Vạn Yên); giàu bản sắc của Làng Văn hóa – Du lịch Sán Dìu (xã Bình Dân)… Còn nhiều trải nghiệm du lịch sinh thái liên tục được làm mới ở Vạn Yên Resort, Vove Camping (xã Vạn Yên), HTX Khe Mai Xanh (xã Đoàn Kết), Vân Đồn Farm (xã Hạ Long)…
Nếu Vân Đồn đem lại nhiều ấn tượng với các trải nghiệm trên bờ, thì đến Cô Tô du khách sẽ có chuyến du lịch biển mới lạ, đặc sắc. Mùa du lịch 2024 Cô Tô có những trải nghiệm hấp dẫn “có 1 không 2” đang được thí điểm hoặc triển khai, như: Lặn biển và dọn vệ sinh môi trường ở vùng biển Vụng Tròn, Ngọc Trai… (xã Thanh Lân); khám phá bầu trời và cảnh quan Cô Tô từ trên cao với khinh khí cầu; tour xuyên 5 bãi biển độc đáo ở Thanh Lân qua các bãi C76 – C7 – Vụng Tròn – Tam Thao – Đầu Trâu liền kề nhau đầy hoang sơ…
Đông đảo du khách tới tham quan đảo Cô Tô hè 2024.
Mùa du lịch 2024, bên cạnh tăng cường các chuyến tàu cao tốc, du khách tới Cô Tô cũng dễ dàng hơn thông qua thủy phi cơ Hải Âu vận hành với hành trình chỉ khoảng 35 phút, giúp du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của các địa danh trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Huyện còn tạo điều kiện tối đa cho các hãng lữ hành và du khách quốc tế tới tham quan (du khách quốc tế tới đảo không phải xin giấy phép).
Cô Tô cũng đẩy nhanh triển khai loạt 7 sản phẩm mới đăng ký năm 2024. Tiêu biểu là: Cắm trại đêm trên bãi biển Thanh Lân; khám phá thiên đường nguyên sơ đảo 7 sao; ngắm hoàng hôn trên bãi Tình Yêu; trải nghiệm “Trường Sa” vùng Đông Bắc ở đảo Trần; đạp xe trải nghiệm Cô Tô về đêm; du lịch chữa lành… Nhiều sản phẩm trong số này đã và đang được triển khai để có thể sớm đưa vào hoạt động thực tế.
Cùng với du lịch biển đảo, Cô Tô ngày càng chú trọng phát huy, đưa giá trị văn hóa, sinh thái môi trường vào phát triển du lịch. Từ đầu năm 2024 Cô Tô khởi động mùa du lịch bằng: Giải đua thuyền kayak trên biển; Lễ hội mở cửa biển xã Thanh Lân; Giải đua thuyền kết nối các huyện đảo và nhiều hoạt động văn hoá, thể thao dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện đảo Cô Tô.
Lễ mở cửa biển xã Thanh Lân và nhiều giá trị văn hóa, sinh thái môi trường được du lịch Cô Tô phát huy trong các sản phẩm du lịch.
Thời gian qua, việc tổ chức Lễ Thượng cờ Tổ quốc, Lễ dâng hương, dâng hoa tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô… đã trở thành sự kiện độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng đặc biệt của Cô Tô trong lòng du khách. Trong tương lai không xa, Cô Tô dự kiến tổ chức các lễ hội, hoàn thiện các địa điểm tâm linh thiêng liêng, như: Chùa Trúc Lâm Cô Tô, chùa Trúc Lâm đảo Trần, miếu thờ Cá Ông… tạo thành điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên chiều sâu văn hoá, hình thành các tour du lịch lễ hội, du lịch tâm linh ý nghĩa.
Song song với đó, Vân Đồn, Cô Tô sôi nổi hoạt động kích cầu lớn, đảm bảo môi trường du lịch, bảo vệ quyền lợi du khách. Nhờ đó năm 2024 du lịch biển Vân Đồn, Cô Tô đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2024 Vân Đồn đón trên 1,8 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.831 tỷ đồng; Cô Tô đón khoảng 310.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 930 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm, trải nghiệm được đánh giá cao, níu chân du khách.
Rộng mở triển vọng liên kết
Sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của du lịch Cô Tô, Vân Đồn gợi mở nhiều cơ hội, triển vọng lớn trong liên kết giữa 2 thương hiệu du lịch biển này. Đây được coi là một trong những định hướng, nhiệm vụ quan trọng trước mắt và trong dài hạn của 2 địa phương, đồng thời là định hướng của ngành Du lịch tỉnh. Điều này không chỉ tăng sức hút mà còn nhằm khai phá hết tiềm năng còn “ngủ quên” của 2 địa phương.
Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên thuận lợi cho du khách từ Vân Đồn tham quan Cô Tô và các tuyến đảo.
Từng tham gia khảo sát kết nối các tour, tuyến du lịch biển đảo trên, ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, đánh giá: Hiện liên kết là yêu cầu khách quan trong phát triển du lịch. Liên kết giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Vân Đồn – Cô Tô đang có những lợi thế lớn để triển khai.
Thực tế cho thấy, tiềm năng kết nối giữa 2 thương hiệu trên là rất lớn. Đó là huyện Vân Đồn với Vịnh Bái Tử Long liền kề còn giữ được nguyên vẹn những nét tinh khôi của một quần đảo hoang sơ với hàng trăm đảo đá, bãi cát tuyệt đẹp. Vườn Quốc gia trong lòng Vịnh Bái Tử Long đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Công viên Di sản ASEAN thứ 38, ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường sinh thái đặc sắc, hiếm có. Ngoài khơi, Vân Đồn còn có các sản phẩm đã được định vị thương hiệu, như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…; trên bờ có Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm – chùa Cái Bầu… đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách.
Với Cô Tô là các bãi biển hoang sơ trải dài cả cây số, cát trắng tuyệt đẹp, nước trong xanh kề những khu rừng nguyên sinh… Cô Tô còn có nhiều đảo với các bãi tắm, thiên nhiên còn hoang sơ nhưng rất đẹp và thơ mộng. Đặc biệt ở đây có hệ sinh thái, môi trường trong lành, các rạn san hô khá nguyên vẹn. Hệ thống 50 đảo lớn, nhỏ trong quần đảo Cô Tô còn ẩn giấu nhiều giá trị chưa được khai phá. Ông Trần Đăng An, Giám đốc Lữ hành Halotour (TP Hạ Long), đánh giá: Thay vì chỉ là điểm trung chuyển hoặc chỉ đi Vân Đồn hay Cô Tô, nhiều lữ hành bắt đầu khai thác tour biển đảo Cô Tô – trải nghiệm du lịch sinh thái, tâm linh ở Vân Đồn hoặc ngược lại. Có thể nói 2 địa phương trên có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự khác biệt.
Cảnh đẹp Hòn Sư Tử trên biển Cô Tô được quan tâm khai thác phát triển du lịch thời gian tới.
Nguồn tài nguyên du lịch biển khu vực Vân Đồn – Bái Tử Long – Cô Tô nối liền tạo thành không gian rộng lớn và chứa đựng một kho tàng giá trị khổng lồ phục vụ hoạt động du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức các tour du lịch liên hoàn, thực hiện các chương trình du lịch dài ngày, liên kết nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Qua đó góp phần phát huy hết tiềm năng các điểm đến ở Vân Đồn, Cô Tô; những giá trị Vườn Quốc gia Bái Tử Long và Khu Bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần. Trên thực tế, việc kết nối, phát triển xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo, trong đó liên kết Vân Đồn – Bái Tử Long – Cô Tô nhằm tạo chuỗi sản phẩm du lịch đồng bộ, liên hoàn là rất triển vọng. Từ đó định hướng các chương trình du lịch dài ngày, tăng sự trải nghiệm cho du khách, góp phần gia tăng chi tiêu của khách trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, nhờ nguồn tài nguyên sẵn có này mà hệ thống sản phẩm du lịch biển đảo Vân Đồn – Bái Tử Long – Cô Tô đã được chú trọng phát triển tương đối đa dạng. Các nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch tham quan biển đảo, nghỉ dưỡng, tắm biển; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa… Một số sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch thể thao – mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa – tâm linh… Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, các giá trị tài nguyên đặc sắc của khu vực cũng đã được chú trọng khai thác.
Để hiện thực hóa, khai thác giá trị các tuyến du lịch trọng điểm và tiềm năng to lớn của 2 thương hiệu này, năm 2020 tỉnh đã phê duyệt Đề án tổng thể quản lý, phát triển du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long – Cô Tô – Vân Đồn. Trước đó, năm 2014 tỉnh ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh, định hướng phát triển sản phẩm du lịch biển đảo khu vực Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô.
Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm tại Lễ hội Cam Vân Đồn tổ chức tại thôn 10/10 (xã Vạn Yên) từ ngày 7-9/12/2024.
Những kết quả đạt được thời gian qua mới chỉ là bước đầu, triển khai ở một số tuyến điểm đầy đủ hạ tầng, thuận lợi về cảnh quan. Hiện vẫn còn thiếu các liên kết, kết nối tuyến du lịch liên hoàn trong khu vực như Vân Đồn – Bái Tử Long – Cô Tô; các tour kết hợp tham quan biển đảo và các điểm đến trên bờ… Việc kết nối 2 thương hiệu này trở thành các sản phẩm du lịch còn chậm triển khai, chưa cụ thể hóa, nên việc khai thác còn mang tính riêng lẻ, thiếu tầm nhìn tổng thể, dẫn tới các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, sức hấp dẫn, cạnh tranh chưa cao, chưa có sự khác biệt, bổ khuyết cho nhau.
Một khó khăn nữa cần được giải quyết là hoạt động liên tuyến biển đảo có tính chất đặc thù riêng biệt, có tính liên vùng, liên ngành cao. Không gian phát triển trải rộng đến vùng biển, đảo của 2 địa phương, trong đó có những phát sinh liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Không ít vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc luật điều chỉnh cấp trung ương. Bên cạnh đó còn thiếu về cơ sở hạ tầng du lịch các tuyến điểm, luồng tuyến cũng như sự quan tâm, vào cuộc của các doanh nghiệp… Đây là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết, để 2 thương hiệu du lịch biển đảo thực sự có sự kết nối, bổ khuyết, tạo ra những sản phẩm thực sự khác biệt, giàu tính cạnh tranh trong tương lai.