Nhớ cội nguồn, tôn thờ và tưởng nhớ tổ tiên, người có công lập nên làng xã… là những nét văn hoá truyền thống có từ lâu đời trong các dịp lễ, hội lớn dịp cận Tết cổ truyền của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long).
Theo các tư liệu ghi chép lại, người Dao Thanh Y đã có mặt, định cư ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) từ hơn 300 năm trước với các dòng họ là Lý, Đặng, Trương… “Người Dao Thanh Y ở đây có 5 ngày lễ, hội lớn trong năm (theo âm lịch). Hai trong số đó diễn ra trước và sau Tết cổ truyền, là: Lễ tổng kết cuối năm (ngày 20 tháng Chạp) và lễ chính đầu năm mới (ngày 1 tháng 2). Ở đó có các nghi lễ linh thiêng, trang trọng nhất, thể hiện rõ nét đẹp phong tục nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên. Điều này ngày càng được gìn giữ, phát huy thậm chí thành chất liệu cho các sản phẩm du lịch văn hoá” – ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Cả, chia sẻ.
Theo đó, trước khi thực hiện hai lễ hội lớn này, thầy mo – người uy tín trong cộng đồng người Dao Thanh Y làm lễ thỉnh ở miếu thờ 7 dòng họ chính ở Bằng Cả và Miếu thờ nữ tướng nhà Trần, tương truyền là bà Trần Thị Chín, con cháu nhà Trần, có công với vùng đất này. Hiện các miếu thờ này đều ở thôn 1, xã Bằng Cả.
Sau nghi lễ này, thầy mo mới được tiếp tục làm lễ cúng bát hương của làng, đặt ở Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y. Bát hương này, trước được lựa chọn đặt ở nhà thầy mo. Tiếp theo là các nghi lễ mới được thầy mo và người giúp việc thực hiện để báo cáo, cám ơn tổ tiên đối với lễ cuối năm và để cầu tài lộc, mưa thuận gió hoà ở lễ đầu năm.
Để tỏ lòng biết ơn cội nguồn, kính ngưỡng tổ tiên, người tham gia những nghi lễ này phải được chọn lựa hoặc tuân thủ quy định, quy ước khắt khe của làng xã. Với lễ cuối năm, các gia đình phải cử chủ hộ (nam giới), đã được Cấp sắc (được coi là trưởng thành) tới giúp việc lễ. Còn đối với lễ hội chính đầu năm thì quy định có phần mở hơn, tuy nhiên tất cả các thành viên trong gia đình, dù đi xa, cũng được yêu cầu phải về tề tựu đầy đủ và bắt buộc mặc trang phục truyền thống khi tham gia.
Một trong các nghi lễ quan trọng nhất năm của người Dao Thanh Y là lễ cúng Bàn Vương. Theo quan niệm của người Dao, thì tất cả người Dao Thanh Y là con cháu của Bàn Vương. Ngoài thờ, cúng ở nhà thầy mo, các gia đình đều thờ cúng Bàn Vương tại nhà. Theo lệ, lễ cúng cuối năm và đầu năm, ngoài gà, cơm, xôi… thì không thể thiếu là con lợn đã làm sạch, đầy đủ nội tạng.
Để đảm bảo sự thành kính, người Dao Thanh Y còn có những quy ước, kiêng kỵ. Đó là trước ngày hội làng, đàn ông, con trai Dao Thanh Y đã được cấp sắc, phải tuyệt đối không được gần gũi phụ nữ. Đặc biệt đối với các thầy mo, phải kiêng 3 thậm chí 5 ngày trước ngày cúng. Bởi người Dao cho rằng nếu vi phạm điều này thì các phép, cầu cúng đều mất thiêng.
Ngoài ra, các nghi lễ thể hiện lòng thành, kính ngưỡng với tổ tiên, tiền nhân còn được thể hiện ở sự chăm chút, tỉ mỉ những trang phục đẹp nhất, diện với hoa văn tinh tế, đẹp mắt nhất; các tiết mục hát giao duyên, các hoạt động thể thao, nghệ thuật ẩm thực tinh tế được người dân thực hiện ở tại lễ, hội.