Phát biểu tại hội nghị Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Cần thống nhất nhận thức và hành động, cấp bách tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế để vững bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, giàu mạnh và phát triển. Với tinh thần xuyên suốt đó, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TU, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu đều được đặt cao hơn, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện.
Biến thách thức, khó khăn thành động lực
Nhìn lại năm 2024, năm khó khăn chưa từng có của Quảng Ninh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bên cạnh những thách thức, bối cảnh suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị quốc tế và khu vực, Quảng Ninh phải đối mặt với siêu bão có sức tàn phá chưa từng có, gây thiệt hại nặng nề, chiếm đến trên 50% tổng thiệt hại trong cả nước, ảnh hưởng đến hầu khắp các lĩnh vực từ KT-XH đến các kế hoạch tỉnh đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Đứng trước bối cảnh đó, với bản lĩnh kiên cường, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, cả hệ thống chính trị tỉnh đã ra sức khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tỉnh xác định, đó là cách thức nhanh nhất để lấy lại những gì đã mất sau cơn bão số 3. Với quyết tâm, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, hàng loạt các giải pháp phục hồi kinh tế đã được triển khai. Chiến dịch “7 ngày làm sạch đường phố”, “5 ngày đưa sản xuất trở lại”, “3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long”… lần lượt triển khai, thu hút hàng trăm nghìn người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tham gia với tinh thần, khí thế được đẩy lên cao nhất.
Điều đáng ghi nhận, trong bối cảnh đầy khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp, nhà máy tăng công suất, năng suất nhằm tạo ra giá trị sản phẩm lớn, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh. Cũng trong đà phục hồi nhanh chóng này, các động lực tăng trưởng như lĩnh vực du lịch, hoạt động biên mậu, kinh tế biển cùng các chuỗi cung ứng đã sớm bắt nhịp.
Với sự nhạy bén, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, chủ động điều chỉnh, khắc phục những khó khăn…, Quảng Ninh đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế với GRDP đạt 8,42%; quy mô nền kinh tế đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 7 cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 55.600 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao. Cùng với đó, cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 109.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,8 tỷ USD. Thu hút khách du lịch đạt trên 19 triệu lượt, với 3,8 triệu lượt khách quốc tế, chiếm gần 20% tổng khách quốc tế của cả nước…
Năm 2024 cũng đánh dấu những bứt phá trong phát triển văn hóa, xã hội, con người Quảng Ninh trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025, đặc biệt thi tốt nghiệp THPT tăng 11 bậc so với năm trước; về đích sớm 2 năm chương trình xây dựng NTM ở cả ba cấp; về đích sớm 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần quan trọng mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô – Động Trung và lối thông quan Bắc Phong Sinh – Lý Hỏa. TX Đông Triều trở thành thành phố thứ 5 của tỉnh, đưa Quảng Ninh là một trong hai tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước…
Nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năm 2024, dù khó khăn chồng chất, tuy nhiên Quảng Ninh đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của người dân Đất mỏ. Những kết quả đầy thuyết phục có thể khẳng định Quảng Ninh đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH trong hoàn cảnh đầy “sóng to, gió lớn”, thậm chí có thời điểm là “bão tố”, tạo nền tảng, động lực mới, khí thế mới, tâm thế mới cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2020-2025.
Nỗ lực lớn, hành động quyết liệt
Năm 2025, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với những cơ sở định vị mục tiêu rõ ràng, cụ thể, khẳng định sự phát triển vượt bậc sau gần 40 năm đổi mới. Với vai trò là tỉnh kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng hành cùng đất nước, kiến tạo sự phát triển, Quảng Ninh đã khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực khi ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ năm 2025 với các chỉ tiêu đều được đặt cao hơn, liên quan đến công tác xây dựng Đảng, KT-XH, môi trường…
Trong đó, điểm nhấn là tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế… để tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,05%; thu ngân sách nhà nước đạt 57.330 tỷ đồng; tổng khách du lịch đạt 20 triệu khách; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.980 triệu USD; tổng vốn đầu tư xã hội tăng 10%…
Bám sát Nghị quyết, trên cơ sở kế thừa, khai thác hiệu quả các lợi thế, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ngành đã kịp thời xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực để có giải pháp đảm bảo tăng trưởng; xác định chủ đề công tác năm 2025 là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”; UBND tỉnh cũng đang xây dựng kịch bản tăng trưởng cho cả năm với các mục tiêu cụ thể ở từng tháng, quý.
Trong đó, mục tiêu đó là tập trung vào các trụ cột tăng trưởng, như: Tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục hành chính, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp… để các dự án sớm đi vào hoạt động; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm dịch vụ – du lịch; tập trung phát triển nghề nuôi biển, góp phần gia tăng giá trị cho ngành thủy sản…
Trong quý I/2025, mục tiêu tăng trưởng GRDP tăng 9,17%; trong đó, động lực chính là khu vực dịch vụ – du lịch bởi đây là thời điểm Tết Nguyên đán, nhiều hoạt động du xuân, lễ hội đầu năm sôi động; ngành nông nghiệp cũng tăng trưởng do tiếp tục tận thu gỗ sau bão và tận dụng điều kiện thời tiết để trồng rừng. Ở quý II/2025, tăng trưởng GRDP đặt mục tiêu tăng 10,69%, động lực ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, do có 7 nhà máy tại các KCN đi vào hoạt động, cùng với đó là Nhà máy ô tô Thành Công đi vào sản xuất thương mại.
Quý III/2025 là thời điểm thuận lợi nhất để đạt tăng trưởng cao nhất do ngành công nghiệp và xây dựng đẩy mạnh triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, trọng tâm là sản xuất của các lĩnh vực khai khoáng, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo; thời điểm thị trường khách nội địa sôi động nhất trong năm vì thế mục tiêu tăng trưởng sẽ ở mức trên 17%; thời điểm các đơn vị tập trung sản xuất hoàn thành các đơn hàng, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm cũng tăng cao, mục tiêu tăng trưởng ở mức gần 11%. Như vậy cả năm, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng GRDP tăng trên 12%.
Quảng Ninh sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến. Cùng với đó, triển khai hiệu quả, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”; thực hiện 3 đột phá chiến lược, “đột phá của đột phá” bằng những chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh…
Kỳ vọng, với sự tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế ở năm 2025, Quảng Ninh sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch 5 năm 2020-2025, tạo đà vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.