Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), cùng với gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương, thời gian qua tỉnh tập trung phát triển giá trị văn hóa đặc sắc, xây dựng thương hiệu Quảng Ninh trong phát triển CNVH.
Quảng Ninh hiện có hơn 600 di tích, trong đó nhiều danh thắng nổi tiếng thế giới như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, Bạch Đằng, Thương cảng Vân Đồn; 360 di sản văn hóa phi vật thể của các tộc Tày, Dao, Sán Chỉ; đặc biệt là văn hóa công nhân mỏ với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”… Những giá trị này đã góp phần làm giàu kho tàng văn hóa địa phương, tạo cơ hội để phát triển các ngành CNVH.
Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua tỉnh quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, để bảo tồn, phục dựng các giá trị di sản văn hoá, tỉnh huy động nguồn lực để đầu tư, tôn tạo các giá trị văn hóa, như: Cụm công trình Quảng trường – Bảo tàng – Thư viện – Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Khu liên hợp thể thao Quảng Ninh. Các thiết chế văn hóa thể thao do các doanh nghiệp tư nhân xây dựng ngày càng nhiều, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình xây dựng từ nguồn xã hội hóa, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đã giúp Quảng Ninh là điểm đến của hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực và quốc tế, như: Liên hoan Xiếc thế giới, Tiếng hát ASEAN+3, Ngày hội Yoga quốc tế, Cuộc thi Robocon châu Á – Thái Bình Dương, Giải Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng năm 2024, Giải chạy Marathon quốc tế Di sản Hạ Long 2024…
Quảng Ninh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, lan tỏa văn hóa du lịch đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Điển hình hằng năm tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Carnaval Hạ Long với những nội dung đặc sắc, thu hút nhiều đoàn nghệ thuật trên thế giới tham dự. Trong năm 2024 Cuộc đua thuyền buồm Clipper Race vòng quanh thế giới chọn Hạ Long làm điểm dừng của chặng đua thứ 7; tỉnh tổ chức thành công Lễ hội thuyền buồm, dù bay, motor nước với chủ đề “Vượt sóng Hạ Long – 2024”; lần đầu tiên Lễ hội Khinh khí cầu “Thành phố Di sản – Sắc màu Hạ Long” tổ chức tại Quảng Ninh đã mang đến cho du khách, nhân dân những trải nghiệm ấn tượng; chương trình Đại nhạc hội quy mô lớn Superfest Hạ Long tổ chức tại Quảng trường Sun Carnival, thu hút khoảng 10.000 người tham gia sự kiện…
Các địa phương trong tỉnh duy trì tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đã làm nên những trải nghiệm văn hóa vùng miền của tỉnh thêm đặc sắc, như: Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ, Ngày hội Hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, Hội Kiêng gió của dân tộc Dao…
Cùng với những tiềm năng, thế mạnh, những nguyên liệu của CNVH trên địa bàn tỉnh kết hợp với nhau và kết hợp với công nghệ giúp những sản phẩm văn hoá có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh khai thác tốt tiềm năng du lịch, tỉnh còn duy trì và phát triển những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó quan tâm đưa các yếu tố của văn hoá, nghệ thuật vào để tạo thêm nét đẹp cho mỗi sản phẩm; phát triển các làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, như: Làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương; làng nghề đan ngư cụ Hưng Học (đều ở TX Quảng Yên); phát triển văn hóa ẩm thực đặc sắc Hạ Long; phát huy giá trị văn hóa của từng địa phương trong các sản phẩm OCOP…
UBND tỉnh mới ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg (ngày 29/8/2024) của Thủ tướng Chính phủ “Về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” tại Quảng Ninh. Tỉnh xác định tiếp tục đầu tư phát triển một số ngành CNVH, sản phẩm văn hóa chủ lực có trọng tâm, trọng điểm mà tỉnh giàu tiềm năng, lợi thế, như: Du lịch văn hóa, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh… phù hợp với thực tiễn Quảng Ninh gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN, đối ngoại, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; xác định nội dung cốt lõi “Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao”.
Hằng năm tỉnh phấn đấu đăng cai tổ chức 1-2 sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp, người mẫu quy mô quốc gia, quốc tế. Đồng thời tổ chức các lễ hội, chương trình nghệ thuật quy mô lớn, đa dạng, kết hợp các sự kiện du lịch. Trong đó nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội Carnaval Hạ Long, tạo điều kiện liên kết với các doanh nghiệp phối hợp tổ chức các chương trình âm nhạc quốc tế, mời các ban nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng trong nước, quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; tổ chức lễ hội văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống kết hợp hiện đại, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, tạo điểm nhấn đặc sắc trong các chương trình du lịch.
Tỉnh phấn đấu xây dựng, sản xuất ít nhất 1 sản phẩm phim điện ảnh về lịch sử Quảng Ninh nhằm xây dựng thương hiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của tỉnh; thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn Quảng Ninh làm bối cảnh quay. Cùng với đó, du lịch tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tư nhân lớn trong và ngoài nước vào các dự án phát triển du lịch trọng điểm, như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp ven biển ở Móng Cái; các dự án phát triển du lịch cao cấp tại Vịnh Bái Tử Long và huyện Cô Tô… Đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Trong đó quan tâm làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, nhất là các sản phẩm du lịch biển đảo theo hướng tăng trải nghiệm cho du khách, đa dạng hóa các loại hình giải trí và thể thao biển; phát triển các sản phẩm du lịch mới, như du lịch sinh thái ven biển gắn với các khu rừng ngập mặn, du lịch đêm, sản phẩm du lịch sáng tạo…