Cùng với thế mạnh du lịch văn hoá tâm linh, Uông Bí đang quan tâm đầu tư các sản phẩm du lịch thế mạnh sẵn có, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, có tính khả thi cao… Tất cả nhằm tăng sức hút, tạo đột phá cho du lịch địa phương thời gian tới.
Ông Phạm Xuân Thành, Trưởng phòng Văn hoá thông tin TP Uông Bí cho biết, tháng 12/2022, TP Uông Bí đã phê duyệt Đề án Phát triển sản phẩm du lịch Uông Bí, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ giai đoạn 2022- 2025 là tập trung khai thác sản phẩm du lịch thế mạnh sẵn có, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, có tính khả thi cao.
Khe Soong – Thác Bạc nhìn từ trên cao.
Tháng 3/2022, TP Uông Bí đã ra kế hoạch triển khai Đề án trên. Trước tiên, để định hướng, làm kim chỉ nam cho phát triển du lịch, TP Uông Bí quan tâm tới các quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt đối với các di tích lịch sử, các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Giai đoạn năm 2022- 2024, TP Uông Bí đã dành nguồn lực 3 tỷ đồng đầu tư cho các dự án về chuyển đổi số du lịch, như: Số hóa tài nguyên du lịch trên nền tảng số, nhận diện bộ thương hiệu du lịch Uông Bí, gắn mã QR Code tại các điểm di tích, tham quan thực tế ảo VR3600 Yên Tử…
Điều này, đã góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch vừa tăng tiện nghi, theo kịp xu hướng phát triển của du lịch hiện đại. Đồng thời, thành phố cũng huy động các nguồn lực xã hội đáng kể đầu tư phát triển sản phẩm du lịch với trên 6 tỷ đồng, hình thành nên các sản phẩm du lịch từ nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Thành phố cũng quan tâm xây dựng những chính sách ưu đãi tại điểm đến để thu hút du khách trong những mùa thấp điểm, ban hành cơ chế chính sách thông thoáng về ưu đãi vốn vay, đảm bảo an toàn vốn cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để thu hút đầu tư vào du lịch, chú trọng công tác đào tạo nhân lực du lịch…
Nhờ đó, sau khoảng 3 năm thực hiện Đề án, sản phẩm du lịch của TP Uông Bí có sự thay đổi nhanh và đa dạng hơn. Cụ thể, ở nhóm sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, TP Uông Bí đã được bổ sung thêm 2 di tích cấp tỉnh, là: Di tích đình miếu Nam Mẫu (xã Thượng Yên Công) và Di tích hang núi Hổ – hang núi Xếp Bằng (phường Phương Nam) cùng Nhà trưng bày không gian văn hóa dân tộc Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công (hoạt động từ tháng 8/2024).
Về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe có thêm sản phẩm ngâm chân, tắm thảo dược và trải nghiệm văn hoá người Dao ở Mô hình du lịch cộng đồng thôn Khe Sú 2 (xã Thượng Yên Công). Sản phẩm du lịch nông nghiệp có Happy Farm Uông Bí (phường Quang Trung) do tư nhân đầu tư, khai thác với các loại hình du lịch trải nghiệm hấp dẫn như câu cá, hái quả, các trò chơi dân gian thú vị, checkin, ẩm thực đồng quê.
Uông Bí phát huy giá trị cảnh quan của Khu di tích Yên Tử và các thắng cảnh khác để phát triển các sản phẩm, trải nghiệm du lịch mới.
Ngoài ra, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch MICE cũng có những chuyển động tích cực. Đó là xuất hiện thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái ở Khe Song – Thác Bạc, đỉnh Phượng Hoàng, đỉnh Bình Hương… tuy chưa được công nhận điểm du lịch nhưng thu hút rất đông du khách tham quan. Du lịch MICE hiện do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư, khai thác tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số vấn đề hạn chế như phát triển các sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng vốn có; việc khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên, kinh tế nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng bộ giữa các điểm du lịch, tính gắn kết chưa cao… Vì thế dẫn đến Uông Bí chưa phải là điểm dừng chân, lưu trú lý tưởng của du khách. Đây là các vấn đề cần khắc phục thời gian tới để triển khai Đề án một cách hiệu quả nhất./.