Năm 2024 đi qua, Quảng Ninh đã cán đích mục tiêu kỷ lục 19 triệu lượt khách với nỗ lực vượt mình của nhiều doanh nghiệp du lịch, địa phương. Năm nay, du lịch tỉnh nhà phấn đấu đón 20 triệu lượt khách, con số không quá cao cho thấy dự đoán về sự ổn định thị trường sau giai đoạn phục hồi do dịch bệnh và thiên tai…
Theo đánh giá của ngành du lịch, lượng khách đến với Quảng Ninh năm vừa qua có sự tăng trưởng tốt, cả về lượng khách nội địa tham gia các lễ hội mùa xuân, khách du lịch mùa hè, khách quốc tế mùa thu đông cũng như khách vào các dịp nghỉ lễ trong năm. Sự đồng đều, ổn định này đã giúp các điểm đến, địa phương thu hút lượng khách gia tăng nhất định.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về lượng khách du lịch quốc tế. Tính đến hết năm vừa qua, tỉnh đã đón 3,8 triệu lượt khách nước ngoài. 10 thị trường khách quốc tế lớn đến Quảng Ninh vẫn duy trì ổn định gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Australia, Anh, Đức, Nhật. Trong đó, thị trường Ấn Độ có nhiều khởi sắc với các đoàn tham quan của các tỷ phú, công ty đến từ Ấn Độ.
Khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh năm 2024 đạt 3,8 triệu lượt, phấn đấu năm 2025 đón 4,5 triệu lượt.
Các huyện, thị xã, thành phố và một số sở, ngành trên địa bàn tỉnh năm qua cũng đã tích cực chủ động nghiên cứu tổ chức hàng trăm hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thương mại thu hút khách du lịch đến với các địa phương trải đều trong năm. Đồng thời, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương, góp phần vào phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch Quảng Ninh…
Di sản văn hoá hút khách – sức chi tiêu thấp
Mặc dù đã về đích vượt mục tiêu nhiều chỉ số, từ tổng lượng khách, khách quốc tế, lượng khách lưu trú và số ngày lưu trú, mức chi tiêu của du khách… nhưng thực tế cũng cho thấy còn những tồn tại, hạn chế mà du lịch Quảng Ninh cần khắc phục để tiến xa hơn trong những mục tiêu tiếp theo, đảm bảo tính bền vững hơn.
Qua đánh giá cho thấy, những tháng đầu năm du lịch Quảng Ninh hút lượng khách lớn đến với các di tích, lễ hội truyền thống trên địa bàn với tổng khách cả năm đạt 8,5 triệu lượt, tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Mặc dù vậy nhưng mức chi tiêu bình quân của 1 lượt khách còn hạn chế do khách chủ yếu là tới tham quan trong ngày.
Khách du lịch Trung Quốc tham quan tại đảo Ti Tốp trên Vịnh Hạ Long.
Thực tế hiện nay cho thấy, toàn tỉnh chỉ khu di tích – danh thắng Yên Tử có doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn với hệ thống cơ sở lưu trú từ cao cấp đến trung bình và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách suốt 4 mùa và nghỉ lại qua đêm…
Chia sẻ với chúng tôi tại hội thảo về phát triển kinh tế di sản tổ chức ở Vân Đồn vào dịp cuối năm vừa qua, TS. Nguyễn Văn Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy tài nguyên văn hoá, Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, phân tích: Đầu tư vào di sản là vấn đề rất khó vì cần sự kiên trì lâu bền và khả năng thu lợi nhuận của nó cũng không thể nhanh như lĩnh vực khác được nên việc thu hút doanh nghiệp tương đối khó khăn. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế di sản, chính quyền cùng với việc bảo vệ, đầu tư cho việc nghiên cứu, làm rõ về giá trị di sản thì cũng cần có chính sách phù hợp cho doanh nghiệp chứ không thể áp dụng một cách đơn thuần như các lĩnh vực kinh doanh khác…
Ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh
Năm 2024, du lịch Quảng Ninh đang trên đà tăng trưởng mạnh thì vào đầu tháng 9, cơn bão Yagi tràn qua đã khiến cho hầu hết các khách sạn, cơ sở cung cấp dịch vụ, tàu du lịch, cảng bến, cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch tại các địa phương đều bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, trong đó có những doanh nghiệp bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt mình để khắc phục hậu quả, tái đầu tư, sớm mở cửa trở lại đón khách nhưng việc suy yếu năng lực tài chính của các doanh nghiệp cũng là điều tất yếu, ảnh hưởng về lâu dài đối với việc đầu tư cho phát triển của du lịch Quảng Ninh.
Am Tuệ Tĩnh – sản phẩm chăm sóc sức khoẻ được Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư tại khu di tích – danh thắng Yên Tử.
Trong khi đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án du lịch trọng điểm đã được triển khai đầu tư xây dựng nhưng một số dự án chưa hoàn thành, chậm đưa vào kinh doanh khai thác nên chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch. Quảng Ninh có hệ thống biển đảo với giá trị tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư xứng tầm để hình thành các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Dịch vụ lưu trú ở một số địa phương trong tỉnh chất lượng chưa tốt, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều cơ sở lưu trú xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp sau tác động của đại dịch Covid-19.
Còn đó những khó khăn
Một vấn đề cũng tồn tại đã lâu mà chưa có sự khắc phục đáng kể của du lịch Quảng Ninh thời gian qua, đó là các sản phẩm du lịch trên địa bàn mới chủ yếu tập trung khai thác lợi thế tài nguyên sẵn có; các sản phẩm văn hóa, giải trí, mua sắm còn thiếu và kém sức hấp dẫn, chưa tạo được nhiều sản phẩm khác biệt, có chất lượng cao tương xứng với giá trị tài nguyên của tỉnh. Nhiều khu, điểm du lịch còn thiếu hệ thống dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Sản phẩm du lịch mùa đông, phố đi bộ, hoạt động giải trí về đêm vẫn chưa thực sự phát triển. Năm vừa qua, tỉnh đã công bố các tuyến điểm du lịch mới trên Vịnh Bái Tử Long và tuyến du lịch kết nối giữa Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, tuy nhiên thực tế việc khai thác còn chậm, một phần quan trọng do sản phẩm du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch trên vùng vịnh này còn thiếu, như điểm đỗ nghỉ đêm cho tàu lưu trú, cảng bến tại các xã đảo…
Quảng Ninh có biển đảo với giá trị tài nguyên du lịch hấp dẫn, cần được khai thác xứng tầm.
Bên cạnh đó, các yếu tố mang tính toàn cầu cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng tới du lịch Quảng Ninh trong năm nay. Đó là ảnh hưởng chính trị, xung đột quân sự, sự suy giảm kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu, lộ trình và nhu cầu đi du lịch của du khách. Cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia… đối với du lịch Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng cũng ngày càng gay gắt. Thị trường khách du lịch quốc tế thời gian qua có sự phục hồi nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, nhất là một số thị trường truyền thống như: Châu Âu, Trung Quốc…
Riêng về thị trường du lịch Trung Quốc, mặc dù vẫn dẫn đầu và vượt trội về số lượng khách trong top 10 thị trường khách quốc tế đến Quảng Ninh năm vừa qua nhưng con số gần 1,94 triệu khách (chiếm hơn 10% tổng khách của tỉnh) vẫn cho thấy sự phục hồi chậm. Điều này, qua đánh giá là do tình hình kinh tế Trung Quốc suy giảm và chính sách kiểm soát du lịch nội địa nước bạn, vì vậy sự khởi sắc từ thị trường khách chủ lực, truyền thống này của Quảng Ninh trong năm nay vẫn khó có sự bứt phá mạnh.
Tất cả những điều này đều ít nhiều ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch của Quảng Ninh trong năm nay, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế và nguồn thu phấn đấu đạt 50.000 tỷ đồng. Vượt qua những khó khăn, thách thức cả trước mắt cũng như những vấn đề về lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực lớn của tỉnh cũng như mỗi địa phương, doanh nghiệp để du lịch Quảng Ninh tiếp tục vươn mình.