Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ… Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng, từ trang phục, ngôn ngữ đến các lễ hội truyền thống. Sự kết hợp của các yếu tố văn hóa này tạo ra một bức tranh đa sắc màu, vừa bảo tồn những giá trị truyền thống, vừa thúc đẩy sự hòa nhập và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng dân cư. Qua những giá trị văn hóa, mỗi tộc người không chỉ học cách yêu thương, trân trọng bản sắc của nhau, mà còn hướng đến một tương lai chung bền vững và phát triển.
“Sức mạnh mềm” gắn kết toàn dân
Gác lại những lo toan của cuộc sống và công việc thường ngày, cứ khoảng 20h tối hàng ngày, các chị em phụ nữ trong câu lạc bộ (CLB) Ngôi Sao Mới của khu phố Nguyễn Du, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà lại có mặt đông đủ tại nhà văn hóa khu phố để hòa mình vào những điệu nhảy dân vũ thể thao sôi động. Tham gia CLB dân vũ thể thao từ khi mới thành lập đến nay, chị Phạm Thị Đỉnh đã thành thục từng điệu nhảy, từng động tác ở mọi thể loại nhạc khác nhau. Chị Đỉnh vui vẻ cho biết: “Kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, sau khi dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa tối và ăn cơm cùng với các thành viên trong gia đình. Thay vì ở nhà xem tivi, chúng tôi đến nhà văn hóa khu phố để tập luyện bộ môn nhảy dân vũ với các chị em. Không chỉ là một sở thích lành mạnh, hoạt động văn hóa tinh thần này cũng giúp chúng tôi dẻo dai hơn, khỏe mạnh hơn và gắn bó với nhau hơn.
Các mô hình CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư đã và đang góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, đồng thời trở thành “chất keo” để gắn kết tình đoàn kết giữa bà con lối xóm, các tộc người với nhau, thúc đẩy tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Năm 2012, CLB hát Then – đàn tính xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu được thành lập. Từ đây, các hoạt động của CLB được tổ chức thường xuyên, trở thành điểm đến của những người yêu Then và đông đảo đồng bào Tày trên địa bàn. Nghệ nhân dân gian Trần Sìu Thu, Chủ nhiệm CLB cho biết: Ban đầu CLB chỉ có một vài người, nay số lượng thành viên tăng lên là 38 người. Không chỉ duy trì hoạt động đều đặn hằng tuần, tích cực tham gia biểu diễn trong các chương trình của xã, huyện, mà khi được huy động chúng tôi còn đi diễn ở tỉnh. CLB hát then – đàn tính xã Hoành Mô cũng thường xuyên có chương trình giao lưu với CLB văn nghệ Đồng Tông, TP Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc). Những chương trình này cũng đem lại nhiều cơ hội được mở mang kiến thức, giao lưu kết bạn cho các thành viên trong CLB.
Không chỉ dừng lại ở quy mô CLB, các hoạt động lễ hội, ngày hội văn hóa của đồng bào dân tộc cũng đang trở thành cầu nối đưa văn hóa đi xa và đưa con người đến gần với nhau hơn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Đầu tháng 12/2024, tại huyện Tiên Yên đã diễn ra Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Sán Dìu năm 2024. Lễ hội có nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của người Sán Dìu như Lễ đại phan, Lễ cúng cơm mới của người Sán Dìu, biểu diễn trích đoạn đám cưới của người Sán Dìu, thi ẩm thực truyền thống của người Sán Dìu, chương trình giao lưu văn nghệ, biểu diễn hát dân ca Soọng cô, trình diễn trang phục nam, nữ người dân tộc Sán Dìu; đồng thời trưng bày một số vật dụng và giới thiệu, bán các sản phẩm truyền thống đặc trưng của người dân tộc Sán Dìu…
Được tổ chức hàng năm, Lễ hội Đền Đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên năm 2024 không chỉ bó hẹp ở xã Hải Lạng hay huyện Tiên Yên mà còn đón tiếp nhiều du khách đại diện cộng đồng dân tộc Sán Dìu trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Nội… Các đoàn tham dự giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, hát Soọng cô, biểu diễn trang phục Sán Dìu. Chị Lam Thị Thanh Hải (dân tộc Sán Dìu), phường Hà Phong, TP Hạ Long cho biết: Mỗi năm, chúng tôi thường có mặt tại sự kiện này để tham dự các hoạt động văn hóa của đồng bào Sán Dìu. Tôi thích nhất là màn tái hiện lại lễ rước dâu của người Sán Dìu, múa gà, múa hành quang và thi mâm cỗ đẹp… Hoạt động này giúp đồng bào chúng tôi gắn kết với nhau hơn, đặc biệt hơn là những nét đẹp của người Sán Dìu được nhiều du khách biết đến.
Các hoạt động văn hóa như lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa các dân tộc hay các chương trình nghệ thuật cộng đồng không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn tạo cơ hội để các dân tộc giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, qua đó sự đa dạng văn hóa không trở thành rào cản mà được tôn vinh trở thành tài sản chung gắn kết mọi người bằng tinh thần hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau.
Đầu tư cho văn hóa
Với 43 thành phần dân tộc cùng sinh sống, Quảng Ninh cũng có khối lượng văn hóa phi vật thể đồ sộ gồm các lễ hội, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống. Trong đó có nhiều lễ hội độc đáo như: Hội làng của đồng bào dân tộc Dao ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long); lễ hội soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày ở xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (TX Quảng Yên); hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (TX Đông Triều); lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); lễ hội Yên Tử (TP Uông Bí)…
Xác định văn hoá là sức mạnh, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú trên địa bàn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được đầu tư xây dựng khá đồng bộ giúp các xã, phường, thị trấn, các thôn bản, khu phố phục vụ tốt nhu cầu hoạt động hội họp, sinh hoạt và giao lưu các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ… của người dân. Hằng năm, các nhà văn hóa bình quân thu hút được 40% người dân đến tham gia sinh hoạt đối với miền núi, 50% đối với khu vực đồng bằng.
Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, tỉnh đã chi gần 4.800 tỷ đồng cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 1.600 tỷ đồng. Ngoài việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, hoạt động này cũng tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có thêm địa chỉ để sinh hoạt văn hóa tinh thần, giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết.
Tháng 8/2024, Nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y được khánh thành tại thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí). Công trình có tổng mức đầu tư 800 triệu đồng, tái hiện 5 không gian văn hóa người Dao Thanh Y, với chú thích song ngữ (Việt – Anh), bao gồm: Không gian trưng bày trang phục nam – nữ dân tộc; Không gian giới thiệu chung Lễ cấp sắc; mô hình nhà trình tường; không gian trưng bày góc bếp người Dao Thanh Y; một số hình ảnh, hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y. Công trình đi vào khai thác đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của đồng bào Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công; đồng thời là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Ông Triệu Văn Loan, thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) phấn khởi chia sẻ: Không chỉ bà con Dao Thanh Y thôn Khe Sú và đồng bào Dao Thanh Y ở các địa phương lân cận, cả ở những tỉnh khác cũng tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nơi đây cũng trở thành địa điểm để bà con đồng bào gặp gỡ nhau mỗi dịp lễ, Tết hay sự kiện quan trọng.
Coi trọng văn hóa, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Trong đó, tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”. Từ những mục tiêu này, giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh ngày càng được vun đắp, trở thành sức mạnh mềm tăng cường khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH chung của tỉnh.
Đặc biệt, việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết hàng năm gắn với bản sắc văn hóa từng vùng miền, thôn, khu đã và đang tạo được khí thế sôi nổi, tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tăng cường sự gắn bó trong toàn thể nhân dân. Đây cũng là dịp để mỗi người dân phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết và yêu nước, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.