Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực luôn được Quảng Ninh quan tâm, triển khai.
Trong cuộc bình bầu gia đình văn hóa năm 2024, ông T, phường Hồng Hà, TP Hạ Long đã tự nguyện đề đạt gia đình mình không đạt tiêu chuẩn bởi con trai ông vi phạm pháp luật, mặc dù người này đã lập gia đình và sinh sống ở nơi khác. Theo ông T, điều này giúp gia đình ông tiếp tục phấn đấu và bản thân ông thấy cần phải tiếp tục giáo dục con cái dù họ đã trưởng thành.
Không chỉ với ông T mà ý thức về giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của mỗi gia đình đã trở thành truyền thống của nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục khơi dậy, Quảng Ninh triển khai các văn bản của Trung ương, ban hành các văn bản của tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn; triển khai các nội dung của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với việc tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới…
Tỉnh đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, “Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức Hội, Quỹ thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh”. Đồng thời tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước và cách mạng, niềm tự hào, niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, tài năng, trí tuệ, phẩm giá con người Vùng mỏ kiên cường, bất khuất, “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, sáng tạo, hào sảng…
Cùng với đó, tỉnh, các địa phương còn tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng được nhu cầu hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời là nơi thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 1.452/1.452 thôn có nhà văn hóa. Các xã trên địa bàn tỉnh đều có trung tâm thể thao hoặc sân tập thể thao đơn giản như nhà luyện tập và thi đấu, sân bóng đá, sân cầu lông, bóng chuyền, bể bơi… Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa thể thao quy mô lớn. Hiện toàn tỉnh có 05 điểm chiếu phim, 30 sân tennis, 167 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo… do doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng.
Qua đó, nhiều hoạt động hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường niên. Các nghệ nhân, nghệ sĩ được công nhận ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, 59 nghệ nhân dân gian Việt Nam, 2 nghệ sĩ nhân dân, 17 nghệ sĩ ưu tú, 129 nghệ sĩ Vùng mỏ.
Về phía các sở, ngành, địa phương, đoàn thể đều có những phong trào, hoạt động xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với đặc điểm tình hình. Tiêu biểu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai tốt “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng “Học Bác lòng ta trong sáng hơn” trong công nhân, viên chức, lao động; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và duy trì hoạt động của 13 mô hình, câu lạc bộ, thành lập mới 09 mô hình/câu lạc bộ về phát huy giá trị văn hóa, con người, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; Đoàn Thanh niên với phong trào “Thanh xuân dâng Đảng”…
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các lực lượng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết của dân tộc. Chú trọng vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường văn hoá, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Bản lĩnh, tự cường, kỷ cương, đoàn kết, nghĩa tình, hào sảng, sáng tạo, văn minh”…
Nhờ các giải pháp trên đã giúp nâng cao nhận thức, tư tưởng của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh ở cơ sở. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được triển khai mạnh, tạo sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân. Đạo đức, lối sống tốt đẹp trong gia đình được phát huy. Năm 2024, toàn tỉnh có 96% khu dân cư đạt danh hiệu Thôn, khu phố văn hóa, 95% hộ gia đình danh hiệu Gia đình văn hóa.