Liên tiếp nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản năm sau cao hơn năm trước, phá vỡ nhiều giới hạn mà các chuyên gia cảnh báo về diện tích, năng suất cũng như thị trường.
Năm 2024, cũng không phải là ngoại lệ khi lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỉ USD, xuất khẩu hạt điều vượt 4 tỉ USD; rau quả vượt cả năm 2023 tới 1 tỉ USD; tôm xuất khẩu mang về đến 4 tỉ USD; gạo lập mốc kỷ lục mới mang về gần 6 tỉ USD…
Kỷ lục nối kỷ lục
Năm 2024, ngành cà phê Việt Nam lập kỳ tích khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,2 tỉ USD, lần đầu tiên vượt mốc 5 tỉ USD trong lịch sử.
Theo ông Nguyễn Nam Hải – chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu tăng cao là yếu tố chính dẫn đến thành công này, dù sản lượng xuất khẩu giảm 14% so với năm 2023.
Giá cà phê bình quân từng đạt đỉnh 5.720 USD/tấn vào tháng 10, dù giảm nhẹ trong tháng 11 nhưng vẫn duy trì ở mức cao, hơn 5.580 USD/tấn. Đây là mức giá mơ ước với ngành cà phê, góp phần đưa kim ngạch tăng hơn 35%.
Đặc biệt, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024 chứng kiến giá cà phê Việt Nam đạt mức cao nhất thế giới.
Cà phê Robusta của Việt Nam thậm chí có thời điểm vượt giá cà phê Arabica. Bộ đánh giá cà phê là mặt hàng nông sản có giá trị tăng mạnh nhất trong các nhóm xuất khẩu chủ lực.
Trong năm, ngành điều Việt Nam ghi dấu ấn khi đạt kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỉ USD, lần đầu tiên sản lượng vượt 700.000 tấn. Đây là cột mốc quan trọng, vượt xa mục tiêu 4 tỉ USD từng đặt ra cho năm 2020.
Dù đối mặt với khó khăn kinh tế và chi phí logistics tăng cao, xuất khẩu hạt điều vẫn tăng trưởng tích cực.
Theo bà T.Diễm – chủ doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Bình Phước, các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu vẫn đánh giá cao chất lượng điều Việt Nam, nhất là điều chế biến. Người tiêu dùng Mỹ ngày càng ưu tiên hạt điều Việt nhờ giá cả cạnh tranh.
Năm 2024, ngành gạo Việt Nam đạt kỷ lục xuất khẩu 9 triệu tấn, mang về 5,7 tỉ USD, vượt xa thành tích 8,1 triệu tấn của năm 2023. Đây là một năm thắng lớn nhất từ trước đến nay, đặc biệt ở các thị trường trọng điểm như Philippines và Trung Quốc.
Một doanh nghiệp xuất khẩu tại Đồng Tháp chia sẻ các đơn hàng tăng mạnh, nhiều hợp đồng đã được đặt cọc và giao xa.
Doanh nghiệp tập trung vào gạo thơm, chất lượng cao, thay thế dần gạo cấp thấp. Những giống lúa như Đài Thơm 8, OM 18 và ST được thị trường quốc tế ưa chuộng, mang lại giá trị kinh tế cao cho cả nông dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhận định năm 2024 đã thiết lập kỷ lục mới, khẳng định sự bền vững của ngành gạo.
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt trên 600 USD/tấn, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng hơn 28%. “Gạo Việt bây giờ đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn”, ông Nam cho biết.
Trong năm, rau quả Việt Nam ghi dấu ấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỉ USD, tăng 27% so với 5,6 tỉ USD của năm 2023, gia nhập nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu vượt mốc 5 tỉ USD như cà phê và gạo.
Một điểm sáng đáng chú ý là chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt chuối Philippines, chiếm vị trí số 1 trong sự lựa chọn của người tiêu dùng Trung Quốc.
Sầu riêng cũng tạo đột phá, với kim ngạch xuất khẩu, bao gồm cả sầu riêng đông lạnh, đạt 3,2 tỉ USD, tăng gần 50% so với năm trước. Các sản phẩm như dừa tươi cũng đang thu hút sự quan tâm lớn từ thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định rau quả Việt Nam ngày càng có lợi thế nhờ sản lượng dồi dào, chất lượng cải thiện và giá cả cạnh tranh.
Chất lượng là mấu chốt cho tương lai
Nhiều kết quả ngoài mong đợi với nông sản Việt xuất khẩu trong năm qua, đồng nghĩa với năm 2025 tiếp tục cho mong muốn bật tăng này phải bền vững. Để làm được, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cho rằng còn rất nhiều thực tế nhìn lại và lấy chất lượng làm đầu.
Ngành gạo Việt Nam đang đối mặt với thách thức khi giá gạo 5% tấm vào đầu tháng 12-2024 giảm còn 485 USD/tấn, thấp hơn so với Thái Lan (501 USD/tấn) và mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Năm 2025 dự báo sẽ thêm khó khăn khi Ấn Độ tăng xuất khẩu, đẩy nguồn cung toàn cầu lên cao.
Ông Nguyễn Ngọc Nam thừa nhận cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Trước tình hình này, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP.HCM cho rằng ngành cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường tiềm năng.
Bên cạnh đó việc phát triển các vùng trồng lúa chất lượng cao, chuyển đổi cơ cấu trồng trọt và kết hợp mô hình nông nghiệp khác là giải pháp cần thiết.
“Theo dõi sát thị trường và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ quyết định thành công của gạo Việt trong giai đoạn khó khăn sắp tới”, doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Ngành rau quả Việt Nam dù đạt kết quả xuất khẩu ấn tượng trong năm 2024 nhưng vẫn tồn tại thách thức, đặc biệt là thanh long tăng trưởng âm do không cạnh tranh được với thanh long Trung Quốc về giá, dù chất lượng không thua kém.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng cần đẩy mạnh xuất khẩu thanh long sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và tập trung phát triển các sản phẩm mà Trung Quốc không có, như dừa tươi. Đồng thời cần chế biến sâu các loại trái cây như mít, xoài, hay sầu riêng đông lạnh để tăng giá trị.
Ông Vũ Thanh Xuân, chủ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở Khánh Hòa, nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế của bà con nông dân và doanh nghiệp là yếu tố quyết định. “Cần chú trọng chất lượng thay vì mở rộng diện tích ồ ạt, nhất là với các loại nông sản như sầu riêng và dừa”, ông Xuân khuyến nghị.