GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia: “Gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long”.
TP Hạ Long nên đặt không gian văn hóa Vịnh Hạ Long trong mối liên kết chuỗi và di sản liên vùng để tạo hiệu ứng, nhân tố kích hoạt cho sự gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Để làm được điều này, thành phố nên sớm có chương trình khảo sát, nghiên cứu để nhận diện sâu, đánh giá tổng thể, toàn diện hơn về sự phân bố, trữ lượng, tiềm năng, giá trị văn hóa của Vịnh Hạ Long và các loại hình di sản (di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu) để có kế hoạch bảo tồn, chuyển hóa thành nguồn lực, nguồn tài nguyên, tương hỗ cho Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Mặt khác, thành phố cũng nên định vị rõ là thành phố biển, phát triển theo mô hình đô thị di sản, lấy di sản thiên nhiên, văn hóa làm mục tiêu, động lực cho sự phát triển.
Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long cũng phải đặt trong mối quan hệ và tầm nhìn với Vịnh Bái Tử Long và Cát Bà. Thành phố nên sớm tính đến việc góp phần xây dựng không gian sáng tạo văn hóa thứ hai ở vùng núi cao Yên Tử. Thời gian tới, nếu đề nghị của Việt Nam về Quần thể di tích danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh, thì Quảng Ninh sẽ có hai không gian sáng tạo văn hóa là Hạ Long và Yên Tử (một ở núi cao và một ở biển cả). Hai di sản đó sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế khu vực, quốc tế của đô thị di sản Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.