Việc đăng ký mã số vùng trồng đang ngày càng được nhiều nông dân của tỉnh quan tâm. Vì vậy, cùng với khôi phục sản xuất sau bão, nhiều hộ dân tích cực áp dụng các quy định duy trì và mở rộng diện tích sản xuất được cấp mã vùng.
Việc cấp mã vùng trồng đối với các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói của tỉnh được thực hiện từ năm 2019, khi đó toàn tỉnh có 14 vùng trồng trọt và 5 cơ sở đóng gói nhãn, vải, thanh long… được Trung Quốc cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này, trong đó có 7 vùng trồng vải ở TP Đông Triều, TP Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở TP Móng Cái và TP Uông Bí; 3 vùng trồng nhãn ở TP Đông Triều. Từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2022, việc cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh gần như “dậm chân tại chỗ”. Bên cạnh nguyên nhân là nhiều vùng trồng không đáp ứng được tiêu chí diện tích thì chủ yếu vẫn do người dân, doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa thay đổi tư duy trong công tác sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Trong khi đó, một số quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này. Đặc biệt, theo quy định của Trung Quốc, quả tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói quả tươi cho cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc.
Trước yêu cầu cấp thiết của việc cấp mã số vùng trồng, ngành NN&PTNT tỉnh đồng hành hỗ trợ, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh thiết lập, xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho một số cây trồng, sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hiểu về lợi ích của việc cấp mã số, không phải mất chi phí đăng ký mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại… diện tích vùng trồng được cấp mã trên toàn tỉnh đã gia tăng nhanh chóng.
Đến nay, toàn tỉnh cấp được 66 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 1.532ha (trong đó có 46 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 20 mã số vùng trồng phục vụ nội tiêu). Các mã số vùng trồng đều được cập nhật trên phần mềm dữ liệu trồng trọt của Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT). Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua, hầu hết các cơ sở thiệt hại lớn. Song song với việc khôi phục sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm, người dân cũng đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong sản xuất của các cơ sở được cấp mã vùng trồng.
Điển hình, các hộ dân trồng na tại xã Việt Dân (TP Đông Triều), với những diện tích bị gãy đổ do bão đã tiến hành trồng bổ sung giống mới để trẻ hóa các vườn na già cỗi. Bà Nguyễn Thị Thuần (thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TP Đông Triều) chia sẻ: Việc chăm sóc, cải tạo vườn na tiếp tục được gia đình thực hiện theo đúng quy trình VietGAP với các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường. Mọi tác động lên cây trồng như đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc… đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.
Tại nhà màng trồng lan rộng 2.500m2 của Trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng lan hồ điệp Trường Thành (xã Lê Lợi, TP Hạ Long), việc khôi phục sản xuất cũng đã được triển khai tích cực. Ông Nguyễn Danh Thuyên (chủ trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng lan hồ điệp Trường Thành, xã Lê Lợi, TP Hạ Long), cho biết: Để duy trì việc cấp mã số vùng trồng của trang trại, trang trại vừa khôi phục lại gần 2.000m2 nhà màng bị bão làm hỏng để trồng trên 50 vạn cây lan phục vụ thị trường cuối năm, thực hiện đúng theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng.
Đến nay, cơ bản các vùng sản xuất tập trung, các vùng trồng được cấp mã số đều đã hoạt động ổn định trở lại. Để bù đắp cho sản lượng bị giảm, các hộ dân cũng đã gia tăng diện tích trồng trọt.
Xác định việc cấp mã cho các vùng sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu để nông nghiệp hội nhập kinh tế số, khẳng định chất lượng, giá trị trong thị trường tiêu thụ trong nước và là tấm vé “thông hành” vào thị trường nước ngoài, Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường giám sát chất lượng những vùng trồng đã được cấp mã; rà soát các mô hình sản xuất trồng trọt điển hình trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh, địa phương để duy trì, phát triển nhân rộng làm cơ sở thực hiện chuyển đổi số; triển khai hướng dẫn tiêu chí thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm trồng trọt chủ lực, hướng dẫn các địa phương thực hiện những quy định, thành phần hồ sơ, các bước thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng qui định. Đồng thời, Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty CP OTAS GLOBAL duy trì chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng bằng phương pháp OTAS cho các vùng trồng vải chín sớm Phương Nam, quế, hồi, ổi. Toàn bộ dữ liệu các vùng trồng được chuẩn hóa và cập nhật lên hệ thống OTAS bằng công nghệ điện toán đám mây phục vụ truy xuất nguồn gốc và xác thực thông tin 24/7, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.