Năm 2024, Quảng Ninh đã ban hành sớm Kế hoạch về việc định hướng phát triển hơn 60 sản phẩm du lịch mới trong năm nay. Các sản phẩm này là do các doanh nghiệp, địa phương, đơn vị đề xuất với mong muốn đa dạng hoá các dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu đa trải nghiệm của nhiều dòng khách ở các phân khúc khác nhau, rải đều vào các mùa trong năm…
Nhiều sản phẩm đẳng cấp, quy mô
Thực hiện điều chỉnh, bổ sung số lượng sản phẩm du lịch mới trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 6/8/2024, Quảng Ninh dự kiến phát triển 67 sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch trong năm nay. Trong đó, khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long 11 sản phẩm; Hạ Long 14 sản phẩm, Đông Triều 3 sản phẩm, Uông Bí 2 sản phẩm, Cẩm Phả 1 sản phẩm, Vân Đồn 14 sản phẩm, Cô Tô 7 sản phẩm, Tiên Yên 1 sản phẩm, Ba Chẽ 2 sản phẩm, Bình Liêu 2 sản phẩm, Đầm Hà 3 sản phẩm, Hải Hà 3 sản phẩm, Móng Cái 4 sản phẩm.
Như vậy là các sản phẩm này phát triển tương đối đa dạng ở các vùng, miền của tỉnh. Khu vực các vùng vịnh nổi tiếng như Hạ Long, Bái Tử Long có sự phát triển mạnh về sản phẩm mới và có xu hướng mở rộng sang vùng Vịnh Bái Tử Long để thu hút du khách, nhằm kéo giãn lượng khách ra xa vùng Vịnh Hạ Long vốn có lượng khách tập trung lớn và có xu hướng quá tải cục bộ vào những giai đoạn du lịch cao điểm ở một số điểm tham quan khu vực gần bờ, một số hang động nổi tiếng có cảnh quan đẹp…
Không chỉ khu vực vùng Vịnh Bái Tử Long mà huyện Vân Đồn cũng cho thấy sức phát triển giàu tiềm năng khi có số lượng sản phẩm du lịch mới cao nhất toàn tỉnh. Qua thực tế cho thấy, bên cạnh các sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái đã phát triển như hái thanh mai, câu cá, camping vào mùa hè, trải nghiệm vườn cam vào mùa đông thì những doanh nghiệp lớn đã đầu tư những công trình tầm cỡ đi vào khai thác ở đây trong năm nay.
Đó là khu nghỉ dưỡng cao cấp Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn của Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (CEO Vân Đồn) đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 4 đón đầu mùa du lịch hè và sau đó không lâu đi vào vận hành là khu khách sạn Angsana Quan Lạn của Công ty CP Viglacera – Vân Hải. Các công trình đều có hệ thống phòng nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp và các dịch vụ vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn chất lượng 5 sao. Việc các doanh nghiệp lớn đầu tư, đưa các khu nghỉ dưỡng cao cấp vào vận hành khẳng định sức hút của du lịch biển đảo Vân Đồn, là cơ sở cho sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch địa phương.
Thủ phủ Hạ Long cũng khai thác nhiều sản phẩm mới trong năm nay. Du khách đến Hạ Long vào mùa hè vừa qua đã được trải nghiệm các sản phẩm như Phố đi bộ kết hợp ẩm thực, dịch vụ đêm Bãi Cháy tại khu phố cổ SunWorld, phường Bãi Cháy, Phiên chợ “Ký ức xưa” tại khuôn viên Bảo tàng Quảng Ninh, sản phẩm Tổ hợp vui chơi, giải trí Ngọn Hải Đăng và sản phẩm du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới, trải nghiệm kỳ nghỉ lãng mạn trên Vịnh Hạ Long trên các du thuyền sang trọng, như: Ambassador, Saquila, Sea Octopus, Indochiana Cruise, Capella…
Công ty Vận tải Việt Thuận tiếp tục đưa vào khai thác du thuyền Grand Pioneers II với tiêu chí du thuyền xanh chất lượng cao và tiên phong khai thác “Hành trình di sản” lần đầu tiên kết nối giữa 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Và ở khu vực vùng cao của Hạ Long là mô hình du lịch cộng đồng tại các xã Sơn Dương, Bằng Cả và Kỳ Thượng với các dịch vụ tham quan vườn ổi, cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm văn hoá đồng bào Dao…
Không ít sản phẩm “lỗi hẹn”
Theo thống kê của Sở Du lịch, tính đến hết tháng 11 vừa qua, đã có 41/67 sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác. 10/67 sản phẩm đang hoàn thiện và dự kiến đưa vào khai thác trong tháng cuối năm này. Tuy nhiên, 5/67 sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long vướng thủ tục pháp lý do Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020 nay đã hết hạn và không còn phù hợp với tình hình thực tế, Quy hoạch Vịnh Hạ Long giai đoạn mới chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên chưa thể hiện thực hoá.
Đó là sản phẩm tham quan tuyến 4 trên Vịnh Hạ Long bằng xuồng cao tốc; du lịch trải nghiệm câu cá, đánh cá cùng ngư dân; chèo đua thuyền rồng truyền thống trên vịnh; sản phẩm một ngày ở làng chài Vông Viêng; sản phẩm thư giãn tắm biển và tổ chức các dịch vụ bãi biển trên các bãi cát tự nhiên tại khu vực bãi cát Hòn Bọ Hung và bãi cát Thiên Cảnh Sơn trên Vịnh Hạ Long. Đây là những sản phẩm được doanh nghiệp từng khai thác thử nghiệm trước đây, nay đề xuất mở lại với mong muốn có thêm những dịch vụ mới ở khu vực xa bờ, hướng mạnh tới dòng khách có sức chi tiêu cao, sẵn sàng dành thời gian trải nghiệm dài với xu hướng tự do khám phá những cảnh điểm mới lạ trên Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, hiện còn 11/67 sản phẩm du lịch đang hoàn thiện thủ tục pháp lý, đề nghị được chuyển sang năm 2025. Trong đó, TP Hạ Long có 7 sản phẩm: Điểm du lịch hoài niệm nhà chờ phà và tuyến phà Bãi Cháy; Mô hình tuyến phố đi bộ kết hợp kinh tế đêm khu vực Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh và tuyến đường Trần Quốc Nghiễn nối dài đến Khu đô thị Vinhome; Điểm check in trên tuyến phố Đặng Bá Hát và đồi Đặng Bá Hát; Phố đi bộ Công viên hoa Hạ Long; Cụm di tích Khu Văn hoá núi Bài thơ, đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn và chùa Long Tiên; Đền thờ Vua Lê Thái Tổ; Di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm.
Huyện Cô Tô cũng có 4 sản phẩm: Tham quan đảo 7 sao tại xã Đồng Tiến; Khu tổ hợp vui chơi thể thao giải trí trên biển kết hợp ngắm hoàng hôn tại bãi biển Tình Yêu; Cắm trại đêm tại Thanh Lân; Tour du lịch hành trình vì biển đảo quê hương tại thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân.
Qua thực tế cho thấy, các địa phương của Quảng Ninh còn nhiều dư địa cho phát triển các sản phẩm du lịch mới. Con số đăng ký phát triển các sản phẩm mới năm nay đã tăng gần gấp hai so với năm 2023 là một minh chứng rõ nét. Việc mở rộng phạm vi, cho phép các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương tự đề xuất các sản phẩm mới cũng như có thể loại bỏ sản phẩm trong quá trình triển khai là bước tiến quan trọng nhằm tạo sự chủ động cho các đơn vị, khai thác tư duy năng động, nhạy bén của doanh nghiệp cũng như đảm bảo sức hút của sản phẩm khi đi vào vận hành trong thực tiễn, tránh sự đầu tư lãng phí tiền của của Nhà nước, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với nhiều sản phẩm còn những vướng mắc chưa thể tháo gỡ về cơ chế chính sách kể trên đã cho chúng ta thấy nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Vì vậy, thiết nghĩ việc đảm bảo về hành lang pháp lý cho các sản phẩm du lịch mới dự kiến phát triển trong năm 2025 tới đây cần được xem xét ngay từ ban đầu, tránh việc “đem con bỏ chợ”, tạo tiền lệ đề xuất “cho vui” cũng như khiến du khách, doanh nghiệp chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng khi nhiều sản phẩm được mong chờ không thể đi vào hiện thực hoá…