Sau hơn 2 tháng mang điệu Then Tày đến với nước Pháp xa xôi, anh Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Bình Liêu, vẫn chưa hết xúc động khi giữa Paris hoa lệ, Nice xinh đẹp, âm thanh ngọt ngào, sâu lắng của điệu hát Then, tiếng đàn Tính lại được khán giả đón nhận, tán thưởng đến thế.
Then Tày là nguồn sống của tôi
Tự hào được sinh ra trong lòng bản Tày, âm thanh của đàn tính và những điệu hát Then đã gắn bó với tuổi thơ của anh Tô Đình Hiệu. Anh Hiệu chia sẻ: Tôi là người Tày Bình Liêu, tôi nghe tiếng hát Then của bà, của mẹ mà lớn lên. Từ khi còn chưa biết nói đến khi trưởng thành, Then Tày trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi cũng như biết bao thế hệ con em đồng bào. Rồi những điệu nhạc, tiếng hát ngấm vào máu lúc nào không hay, tôi say mê những ca từ đẹp đẽ và bắt đầu lựa chọn hát Then cho những chương trình văn nghệ của trường, lớp. Khi trở thành một nhà giáo, ở mỗi ngôi trường nơi tôi công tác, tôi đều thành lập các CLB hát Then, đàn Tính để truyền dạy cho các em học sinh. Mục đích của tôi khi ấy chỉ đơn giản là thỏa mãn niềm say mê với tiếng hát Then và muốn lưu giữ nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào cho thế hệ tiếp theo.
Di sản Then Tày Bình Liêu đã có từ rất lâu, tồn tại bền chặt trong đời sống văn hóa của người Tày, gìn giữ và trao truyền như một báu vật tinh thần không thể thiếu. Người Tày hát Then là để cầu chúc cho nhau sức khỏe, an khang, mùa màng tốt tươi; để trao gửi tâm tình; cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong cuộc sống.
Hát Then của người Tày Bình Liêu còn gọi là diễn xướng Then, thể hiện dưới 2 hình thức: Diễn xướng Then văn nghệ và diễn xướng Then nghi lễ. Âm điệu trầm bổng, dặt dìu cùng với lời hát diễn tả từng chặng đường đi của đoàn quân Then: Khi giục giã vội vã, lúc khoan thai dừng nghỉ bên đường, khi thỉnh cầu tha thiết, khi vượt biển rộn rã… Không chỉ thế, nghệ thuật diễn xướng Then còn là nơi lưu giữ, phô diễn những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, văn hóa nhân cách, đạo đức nhân văn, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc trong kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống và tính cố kết cộng đồng của người Tày.
“Theo quan niệm dân gian, “then” có nghĩa là “thiên”, “thiên” tức là “trời”. Then trong truyền thuyết là điệu hát của thần tiên truyền lại. Đồng bào Tày cho rằng, có ba tầng trời, mỗi tầng đều có người sinh sống. Họ tin khi tiếng đàn Tính, cùng lời Then cất lên là lúc các bà Then đang bắt đầu cuộc hành trình với từng đường Then dẫn quan quân đi khắp ba tầng trời và những điệu Then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời. Tiếng đàn Tính vang vọng, lời Then ngọt ngào nồng ấm, là món ăn tinh thần hơn tất thảy các món ăn tinh thần khác” – Anh Hiệu cho biết.
Từ niềm say mê, rồi trăn trở với việc bảo tồn, phát huy giá trị của Then Tày Bình Liêu, anh Hiệu không ngừng sưu tầm, nghiên cứu, dày công góp sức để khẳng định giá trị của Then trong đời sống đương đại.
“Bước ngoặt của tôi là khi tôi được phân công về công tác tại Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện. Trên cương vị là một cán bộ văn hóa, tôi đã có nhiều tham mưu cho lãnh đạo địa phương về gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Then Tày Bình Liêu. Ban đầu là phát triển các CLB hát Then, đàn Tính; rồi lồng ghép trình diễn Then trong các tiết mục văn nghệ ở các lễ hội, sự kiện văn hóa, chính trị lớn của huyện. Mới đây nhất là tham mưu tổ chức hội thảo bảo tồn và phát huy di sản diễn xướng Then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu. Thông qua hội thảo đã định vị Then Tày Bình Liêu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Đồng thời đề xuất các giải pháp bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy, phát triển các giá trị Then của người Tày Bình Liêu trong bối cảnh hiện nay, cũng như các giải pháp khai thác diễn xướng Then phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương” – Anh Hiệu nói.
Hành trình đưa điệu Then vang xa
Tháng 10/2024, anh Hiệu cùng một số nghệ nhân hát Then tiêu biểu của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên… được Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp mời tham gia trình diễn nghệ thuật hát Then tại 2 thành phố Nice và Paris (Pháp).
Để chuẩn bị cho sự kiện này, anh Hiệu đã dành 1 tháng đi đi về về giữa 2 tỉnh Quảng Ninh – Lạng Sơn để tập luyện cùng với Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Thủy Tiên, sao cho mỗi ca từ được chau chuốt, tròn vẹn nhất. Anh cũng trau chuốt từng nhạc cụ, nhạc khí và phục trang thật cẩn trọng để khi những nét đẹp về văn hóa của đồng bào Tày Bình Liêu được phô diễn một cách chỉn chu nhất trong mắt quan khách nước ngoài.
“Khán giả chủ yếu là người Pháp, họ đến với sự tò mò và hào hứng. Dù đây là một loại hình nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ, nhưng âm nhạc và văn hóa Việt Nam đã chạm đến trái tim khán giả một cách sâu sắc với những tràng pháo tay không ngớt. Tôi thực sự xúc động, cùng những tràng pháo tay kéo dài còn có những lời tán thưởng từ khán giả. Có cả những giọt nước mắt rưng rưng của người Tày xa xứ, khi nghe lại được âm điệu của bản làng, quê hương” – Anh Hiệu bồi hồi nhớ lại.
Chuyến biểu diễn lần này đối với anh Hiệu mang ý nghĩa rất lớn, khi Then Tày không còn nằm hẹp trong quy mô bản làng, cộng đồng, địa phương, mà đã thể hiện được cái hay, cái đẹp trong bạn bè quốc tế. “Sự đón nhận của khán giả nước ngoài cho tôi thấy con đường mình đi là đúng hướng. Đó là việc trân trọng cái nguyên gốc của văn hóa, không chỉ là Then Tày, mà còn là những nét đẹp văn hoá khác của đồng bào. Chính những cái nguyên gốc ấy sẽ là chất dẫn tốt nhất để văn hóa chạm đến trái tim của mỗi người”.
Chia sẻ về những dự định tương lai, anh Hiệu cho biết: Then Tày hay bất cứ giá trị văn hóa nào nếu giữ nguyên thì chỉ phù hợp với vị trí trong bảo tàng, còn muốn để di sản văn hóa “sống” cùng với thời gian thì cần phải khai thác và phát huy giá trị. Tôi đang sưu tầm, ghi chép lại những điệu Then cổ để làm cơ sở cho việc phát triển diễn xướng Then trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu đưa Then Tày vào các chương trình du lịch, để vừa tôn vinh bản sắc văn hóa của người Tày Bình Liêu, vừa tạo điều kiện cho Then “sống” và phát triển.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, điều đó rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc, gìn giữ, bảo tồn và không ngừng sáng tạo để câu hát Then ngày càng phong phú, độc đáo và có sức sống trường tồn.