Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sắp cán mốc 2 tỷ USD, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Việt Nam là nguồn cung cá tra số 1 thế giới.
Trung Quốc chi “khủng’
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 11 đạt 179 triệu USD, tăng 16% so với tháng 11/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 11 đạt 1,8 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định rằng, xuất khẩu cá tra Việt Nam cắp cán đích 2 tỷ USD như được dự báo hồi đầu năm. Điều này cho thấy sức hút, sức cạnh tranh và tiềm năng của thị trường vẫn mạnh mẽ.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là nguồn cung cá tra số 1 thế giới và “vị khách lớn” mua cá tra Việt Nam nhiều nhất vẫn là Trung Quốc.
Chỉ trong nửa đầu tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang Trung Quốc đạt 27 triệu USD (687 tỷ đồng), tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc trong 11 tháng đạt hơn 506 triệu USD. Như vậy trung bình mỗi tháng Trung Quốc chi hơn 46 triệu USD (1.171 tỷ đồng) để mua cá tra Việt Nam.
Hiện tại, có đến 119 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.
Cá tra không còn “một mình một chợ”
Một vài năm gần đây, cá tra Việt Nam đã có thêm một đối thủ cạnh tranh nặng ký khác ở thị trường Trung Quốc, đó là cá lóc.
Theo VASEP, cá lóc và cá tra có những điểm tương đồng về kết cấu, hương vị và ứng dụng ẩm thực khiến cả hai loài cá này trở nên phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc. Cả hai đều có thịt trắng, chắc, hương vị nhẹ, giàu protein và có những lợi thế cạnh tranh riêng.
Tại Trung Quốc, cá lóc nuôi đang chiếm ưu thế hơn so với cá tra nhập khẩu, chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa. Đáng chú ý, sản lượng nuôi cá lóc của Trung Quốc ước đạt 800.000 tấn trong năm 2024, trong đó 40% dành cho các cơ sở chế biến và phần còn lại phục vụ thị trường cá sống.
Theo nhận định của VASEP, sự phát triển của cá lóc nội địa Trung Quốc diễn ra song song với việc nước này giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam. Cụ thể, năm 2020, Trung Quốc đã nhập từ Việt Nam hơn 200.000 tấn phi lê cá tra đông lạnh, thì đến năm 2023 số lượng này giảm còn 106.000 tấn. Vì thế, kịch bản Trung Quốc tự cung tự cấp cá lóc để thay thế dần cho cá tra nhập khẩu từ Việt Nam là hoàn toàn có thể thành hiện thực. Đây sẽ là nỗi lo ngại khi thị trường tỷ dân đang là khách hàng lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Theo bà Thu Hằng – chuyên gia thị trường cá tra của VASEP: “Cá tra Việt Nam có giá thành hợp lý, nguồn cung ổn định, phù hợp với các thị trường lớn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi rào cản thương mại và biến động thị trường quốc tế. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh mạnh với các loài cá thịt trắng khác. Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải có những tính toán cho hướng đi mới đa dạng hơn”.
Nhiều năm qua, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu cá tra phile đông lạnh và gần như chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ở hiện tại khi cá tra không còn “một mình một chợ”, nhiều quốc gia cũng đã gia nhập cuộc đua nuôi và xuất khẩu cá tra. Vì thế các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của cá tra trên thị trường bằng việc gia tăng chất lượng, đảm bảo tuyệt đối các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu cá tra toàn cầu.