Thời gian qua, thành phố Đông Triều đã có nhiều chủ trương, giải pháp đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trên địa bàn thành phố hiện có 128 di tích và danh thắng; trong đó có 30 di tích đã được xếp hạng, 98 di tích đã được kiểm kê, phân loại, đưa vào danh mục quản lý. Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, phát triển du lịch.
Thành phố lập lý lịch di tích, hồ sơ khoa học quản lý, lập bản đồ khoanh vùng, cắm mốc giới bảo vệ 14/14 điểm di tích; hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần; tăng cường phối hợp với các chuyên gia tổ chức khai quật, khảo cổ di tích. Hầu hết các điểm di tích nhà Trần được khai quật, điều tra khảo cổ học, tổng mức đầu tư trên 15,6 tỷ đồng, như: Đá Chồng 1, Đá Chồng 2, chùa Thượng Ngọa Vân, đền An Sinh…; khảo cổ mở rộng diện tích các di tích thuộc Khu di tích Ngọa Vân, cửa phủ Am Trà…; khai quật bổ sung tư liệu tại di tích Hồ Thiên, nhằm cung cấp cơ sở khoa học đề xuất thay đổi quy hoạch chùa Hồ Thiên và điều tra, khai quật di tích Mục lăng (lăng vua Trần Minh Tông).
Thành phố làm tốt công tác huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Từ năm 2016 đến nay thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, như tuyến đường vào các lăng mộ vua Trần, tuyến đường hành hương kết nối Khu du lịch di tích Yên Tử với Hồ Thiên – Ngọa Vân, hình thành hệ thống cáp treo…
Giai đoạn 2017-2021 thành phố phối hợp với Quỹ Thiện Tâm – Tập đoàn Vingroup huy động nguồn lực phát tâm công đức gần 300 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích nhà Trần. Năm 2023-2024 trong quá trình xây dựng Hồ sơ Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, thành phố tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh cung cấp các tài liệu xây dựng Hồ sơ, tuyên truyền, giới thiệu các điểm di tích nhà Trần ở Đông Triều; chuẩn bị các điều kiện đón đoàn chuyên gia của ICOMOS thẩm định thực địa Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc; chỉnh trang Nhà trưng bày di sản văn hóa nhà Trần tại di tích đền An Sinh; phối hợp với BQL dự án đầu tư xây dựng thành phố và đơn vị tài trợ xây dựng và đưa vào sử dụng công trình phụ trợ di tích đền Mẫu Minh Vân Sơn; lắp đặt bổ sung bảng, biển tuyên truyền trực quan (song ngữ) tại 6 điểm di tích nhà Trần đưa vào Hồ sơ Yên Tử.
Thành phố hiện có khoảng 40 di tích tổ chức lễ hội hằng năm, phần lớn vào dịp đầu xuân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được chú trọng, đảm bảo vui tươi, trang trọng, an toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân và du khách. Năm 2024 thành phố đón trên 1,3 triệu lượt du khách, tăng 100.000 lượt so với năm 2023; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.105 tỷ đồng. Riêng Khu di tích nhà Trần đón trên 376.700 lượt du khách; tăng trên 20.800 lượt so với năm 2023.
Để phát huy hơn nữa giá trị các di tích hiện có, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, nghiên cứu xây dựng thêm các tuyến du lịch mới, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.