Vịnh Hạ Long nằm trong phạm vi ranh giới, tiếp giáp với nhiều địa phương. Các hoạt động kinh tế – xã hội trên vịnh cũng do nhiều sở, ngành, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý. Sau khi di sản thế giới Vịnh Hạ Long mở rộng ranh giới sang khu vực Quần đảo Cát Bà thì phạm vi quản lý càng rộng hơn. Vì vậy, để làm tốt công tác quản lý di sản đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các đơn vị, ngành, địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi về những thách thức trong quản lý di sản liên ngành, liên vùng, ông Vũ Kiên Cường (ảnh), Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, phân tích: Môi trường và các giá trị Di sản thế giới Vịnh Hạ Long đang chịu sức ép đa chiều ngày càng gia tăng từ các hoạt động đô thị hóa và các hoạt động kinh tế – xã hội trên và ven bờ vịnh. Cụ thể, trên vịnh là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế – xã hội đan xen phức tạp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như: Du lịch; nuôi trồng, khai thác thuỷ sản; giao thông cảng biển. Khu vực ven bờ vịnh lại tiếp giáp với nhiều địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ (kinh doanh xăng dầu, khai thác than, cảng biển…) tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái của Vịnh Hạ Long.
|
– Vậy trong những năm qua, các đơn vị đã chung tay quản lý, bảo vệ di sản gắn với phát triển kinh tế đạt kết quả như thế nào?
+ Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường biện pháp quản lý các hoạt động kinh tế – xã hội trên và ven bờ vịnh, yêu cầu bố trí lực lượng thường trực 24/24h để nắm bắt thông tin. Cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trên Vịnh Hạ Long được tăng cường. Ngay từ năm 2001, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quản lý di sản ký kết Quy chế phối hợp quản lý di sản với các địa phương, ngành liên quan; thành lập, kiện toàn tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trên Vịnh Hạ Long hằng năm.
Theo đó, công tác bảo vệ môi trường có sự hợp tác liên vùng, liên ngành để huy động tốt các nguồn lực bảo vệ môi trường, kiểm soát, giám sát các nguồn thải, kịp thời ngăn chặn từ nguồn phát tán chất thải có nguy cơ ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường di sản. Đối với hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, tiếp tục thực hiện quy định không đánh bắt thủy sản trong khu vực vùng lõi di sản và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân; yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, có biện pháp xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực bảo vệ tuyệt đối và vùng đệm thuộc địa giới hành chính TP Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, khu vực giáp ranh với TX Quảng Yên; quyết liệt xử lý các hành vi khai thác, sử dụng ngư cụ cấm tại khu vực giáp ranh Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà.
Công tác phòng chống thiên tai, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn được quan tâm, chú trọng công tác phòng ngừa và nâng cao kỹ năng thực hành. Năm 2017, tỉnh thành lập đội liên ngành thường trực cứu hộ, cứu nạn trên Vịnh Hạ Long, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”; huy động nhiều ngành như Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, giao Bộ CHQS tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND TP Hạ Long và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đội liên ngành thường trực 24/24h, duy trì nghiêm chế độ trực thông tin, kịp thời xử lý tình huống trên vịnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả…
– Không chỉ là di sản trong phạm vi Quảng Ninh, giờ đây, Vịnh Hạ Long còn là di sản liên tỉnh khi ranh giới di sản đã mở rộng sang Quần đảo Cát Bà của Hải Phòng. Vậy công tác phối hợp trong bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà hiện nay được thực hiện như thế nào?
+ Ngay từ đầu những năm 2000, chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động liên kết quản lý vùng thông qua việc ký kết hằng năm Quy chế phối hợp về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long và các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà với huyện Cát Hải (TP Hải Phòng), về công tác quản lý, vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu nạn…
Các cơ quan chức năng của hai địa phương thường xuyên triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp tuần tra, giám sát các hoạt động trên địa bàn khu vực giáp ranh để kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại đến cảnh quan, tài nguyên môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học (săn bắn, buôn bán động vật hoang dã, khai thác trái phép lâm sản, thủy sản, nuôi trồng thuỷ sản trái phép, đổ thải trái phép, hành vi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lồng, bè trái phép gây ô nhiễm môi trường…). Hằng tháng tổ chức các đợt ra quân làm sạch môi trường trên mặt nước và ven các chân đảo tại các khu vực giáp ranh.
Thường xuyên tổ chức phối hợp tuyên truyền, vận động dân cư sinh sống trên địa bàn nâng cao ý thức, tự giác giữ gìn môi trường. Trong thời điểm Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà xảy ra sự cố môi trường do tháo dỡ, thay thế vật liệu tại các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản và ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, hai bên đã kịp thời huy động lực lượng, kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tổ chức thu gom rác thải (bè, mảng, phao xốp…) trôi nổi trên mặt biển.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà giờ đây đã trở thành một quần thể Di sản thế giới, cần thiết hướng tới sự thống nhất trong công tác phối hợp quản lý và bảo vệ khu vực biển đảo này, giúp cho công tác bảo tồn, gìn giữ tính toàn vẹn của di sản ngày càng tốt hơn, nhất là trong điều kiện các hoạt động KT-XH trên vịnh ở hai địa phương phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Từ năm 2023, sau khi Vịnh Hạ Long được mở rộng ranh giới sang Quần đảo Cát Bà, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chung, yêu cầu các ngành chức năng của hai địa phương ký kết các Quy chế phối hợp riêng trong từng lĩnh vực quản lý, trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, đặc biệt tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý di sản liên tỉnh Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà nhằm đảm bảo tính thống nhất trong công tác phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị di sản.
– Cùng với quản lý, bảo vệ thì việc kết nối để khai thác du lịch liên vùng của di sản thế giới thời gian qua đã tiến hành ra sao, liệu có sự đột phá, khác biệt nào lớn trong thời gian tới hay không?
+ Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà đã và đang có sự kết nối trong những năm qua, thông qua 3 cách: Thông qua tuyến phà Tuần Châu – bến Gia Luận (Cát Bà, Hải Phòng); thông qua tàu du lịch chạy theo tuyến 5 Cảng tàu (Quảng Ninh), đi qua các điểm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hang Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái rồi đến vịnh Cát Bà và tới bến Gia Luận; kết nối bằng tàu chuyên tuyến, các tender hiện nay.
Để du lịch liên vùng di sản phát triển mạnh mẽ hơn, gần đây hai địa phương đã chỉ đạo xây dựng tuyến du lịch kết nối giữa Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, đồng thời quản lý tốt hoạt động du lịch tại khu vực giáp ranh, ngăn chặn các tác động xấu đến giá trị của di sản. Theo đó, các đơn vị đã tham mưu, đề xuất mở thêm hành trình Vịnh Hạ Long 6 từ Hạ Long đi Chân Voi – Vụng Ba Cửa – đảo Tùng Lâm – hòn Cặp Bài (điểm cuối của hành trình tiếp giáp với Gia Luận, vịnh Lan Hạ, Hải Phòng).
Với sự nỗ lực của 2 địa phương, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà tiếp tục là điểm đến du lịch được đông đảo khách tham quan lựa chọn. Ước tính đến hết năm 2024, Vịnh Hạ Long đón tiếp khoảng 3,1 triệu lượt khách tham quan, Quần đảo Cát Bà đón tiếp trên 1 triệu lượt khách tham quan…
– Vậy công tác phối hợp quản lý di sản thế giới hiện còn những khó khăn, thách thức nào cần giải quyết không?
+ Từ thực tiễn công tác quản lý Vịnh Hạ Long những năm qua cho thấy, mặc dù có quy chế phối hợp giữa các đơn vị, địa phương nhưng việc quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, do cả điều kiện tự nhiên, xã hội có nhiều phức tạp. Hai địa phương trong vùng di sản cũng chưa có cơ chế phối hợp, quản lý di sản liên tỉnh nên một số hoạt động phối hợp chưa được tổ chức kịp thời và thường xuyên…
Giờ đây, những áp lực đối với công tác phối hợp bảo vệ và quản lý di sản sẽ càng lớn hơn sau mở rộng ranh giới. Đó là sự phát triển du lịch trên quy mô lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường, áp lực từ các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, các tác động từ sức hấp dẫn, tiềm năng khai thác kinh tế của di sản… Vì vậy, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Quy chế phối hợp giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà. Đồng thời có hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý, bảo vệ di sản thế giới liên tỉnh, thành phố để các địa phương triển khai thực hiện.
– Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!