Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc khuyến khích các đơn vị tham gia Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của tỉnh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, văn minh.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, các doanh nghiệp Quảng Ninh đang đứng trước những thách thức và trở ngại lớn khi tiếp cận với thị trường tiêu dùng ngày càng khắt khe, cũng như phải đối mặt với sự xuất hiện của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Truy xuất nguồn gốc được coi là công cụ dễ dàng nhất minh chứng được nguồn gốc xuất xứ, thông tin của hàng hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc truy xuất nguồn gốc nông sản còn có ý nghĩa kiểm soát chặt chẽ hơn việc thực hiện các quy trình ATTP. Vì vậy, trong nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đã không ngừng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh các mặt hàng nông lâm thuỷ sản tích cực quan tâm và áp dụng việc truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Mặc dù mới được thành lập và đưa ra thị trường được hơn một năm nay, nhưng với mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn, chất lượng, hướng tới xuất khẩu, Công ty CP Nước mắm Cái Rồng HCM (huyện Vân Đồn) đã chủ động tham gia đăng ký Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn của tỉnh. Theo đó, từng công đoạn sản xuất của đơn vị từ nhập nguyên liệu, ủ, chượp, chiết rót, được cập nhật thường xuyên lên hệ thống. Các thành phẩm cuối cùng được dán tem có mã QR truy xuất nguồn gốc, cho phép người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm thuộc lô hàng nào, quy trình sản xuất ra sao trong suốt quá trình từ ngày sản xuất đầu tiên cho đến ngày xuất xưởng.
Anh Lê Thanh Cảnh, Giám đốc Công ty CP Nước mắm Cái Rồng HCM, cho biết: Việc tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm là sự cam kết của doanh nghiệp chúng tôi đối với các bạn hàng và người tiêu dùng về chất lượng cũng như việc tuân thủ các quy định về ATTP trong khâu sản xuất, chế biến. Cũng nhờ đó, chúng tôi đảm bảo đủ các điều kiện để phân phối sản phẩm trong các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong toàn quốc. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để chúng tôi sẵn sàng hơn trong việc tiếp cận các thị trường mới, định hướng xuất khẩu trong tương lai.
Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được Sở NN&PTNT triển khai từ năm 2019 với mục đích góp phần xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn VSTP, đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đến nay, hệ thống đã được hoàn thiện phần mềm, có địa chỉ website: https://qn.check.net.vn. Hệ thống giúp cấp tài khoản tham gia quản lý cho các cơ sở là các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn; liên thông đồng bộ với hệ thống dữ liệu của Bộ NN&PTNT.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đặt mục tiêu có 80% sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn được truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thuỷ sản tỉnh đã tham mưu cho Sở NN&PTNT thành lập Tổ công tác, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ quản trị Hệ thống, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản chế biến bao gói sẵn trên địa bàn tỉnh với 3 lớp tập huấn và gần 100 người được tham gia. Ngành cũng đã thực hiện rà soát, thống kê 1.576 sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến, bao gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành đã hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật các dữ liệu trên môi trường số; cấp trên 20.000 mã QR miễn phí cho các sản phẩm cũng như cấp tài khoản sử dụng, khai thác, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh cho cơ sở.
Đến nay, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ, cấp 1.280 mã QR truy xuất nguồn gốc cho 1.280 sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến bao gói sẵn (đạt 101,25% kế hoạch đã đặt ra).
Tuy nhiên, hiện nay, việc dán nhãn QR truy xuất nguồn gốc mới chỉ được thực hiện đối với các sản phẩm chế biến, bao gói sẵn thuộc các doanh nghiệp, cơ sở có quy mô từ trung bình trở lên. Trong khi đó, phần lớn cơ sở sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn ở quy mô nông hộ, nhỏ, lẻ, người sản xuất trực tiếp còn ngần ngại trong việc tiếp cận công nghệ.
Ông Vũ Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: Thời gian tới, để việc truy xuất hàng hóa được thực hiện đồng bộ, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động truy xuất nguồn gốc; rà soát, thống kê các sản phẩm chế biến, bao gói sẵn để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 100% sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến, bao gói sẵn được truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR truy xuất được nguồn gốc; 100% cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 10% cơ sở thuộc diện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại địa phương tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã QR cho các sản phẩm.
Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong nước và quốc tế.