Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất, là một trong những tiêu chí quan trọng, vì đây là phương thức tổ chức cho người nông dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Người nông dân sẽ không sản xuất riêng lẻ mà được khuyến khích tham gia vào hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, để cùng nhau tổ chức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 790 hợp tác xã, tăng 127 hợp tác xã, tương ứng với tăng 19,15% so với năm 2022; 98/98 xã đều có hợp tác xã và đã thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhằm đổi mới hình thức hoạt động, tăng cường các hoạt động dịch vụ cho các thành viên. Theo đó, việc phát triển hợp tác xã của Quảng Ninh thời gian qua không chỉ góp phần tích cực đến việc nâng cao đời sống của người dân, mà còn là giải pháp hữu hiệu trong xây dựng nông thôn mới.
Nhằm khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn như tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Ngay sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được ban hành, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao các đơn vị liên quan tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 22/CTr-TU thực hiện Nghị quyết trên. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành tập trung triển khai các nội dung chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 của tỉnh theo các chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, thành phố Đông Triều, đã thực sự trở thành cầu nối gắn kết giữa người nông dân với các sản phẩm nông nghiệp và thị trường. Hợp tác xã ngoài trách nhiệm chính là tìm kiếm thị trường, giải quyết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng liên doanh, liên kết, mang lại hiệu quả kinh tế; tạo động lực thúc đẩy người nông dân cũng như các thành viên liên kết sản xuất với hợp tác xã chuyển trong dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Từ hình thức tổ chức sản xuất, vai trò của hợp tác xã chính là sợi dây gắn kết giúp cho sản phẩm của người nông dân nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập ổn định và tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Hiện, diện tích đất Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong trực tiếp sản xuất là trên 20ha, diện tích liên kết sản xuất là 70ha; trong đó có 20ha trồng rau vụ đông xuất khẩu đi Hàn Quốc, còn lại là vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều, gạo chất lượng cao, mỗi năm xuất tiêu thụ ra thị trường gần 1000 tấn nông sản.
Rõ ràng, vai trò của hợp tác xã không chỉ trực tiếp canh tác, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp và là người mua các sản phẩm của người nông dân, mà còn tạo ra mối quan hệ mua bán theo hình thức liên kết hữu cơ giữa doanh nghiệp và nông dân. Như vậy, hợp tác xã là đầu mối cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời về thời gian cho nhiều đối tác; giúp người nông dân, các thành viên trong hợp tác xã tiêu thụ hết với giá trị sản phẩm làm ra cao.
Để tiếp tục tạo động lực tiếp sức giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển ổn định, bền vững, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 về “Một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025”. Nghị quyết đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, nổi bật như tiếp tục quan tâm nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường khả năng tiếp cận vốn, đất đai và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh…