Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, tác động tích cực đến hiệu quả thực hiện các tiêu chí khác trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xác định rõ điều này, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã không chỉ chủ động đổi mới công tác tuyên truyền, mà còn triển khai bằng nhiều giải pháp phù hợp, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập.
Trong xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh luôn xác định: Tiêu chí về thu nhập được coi là một tiêu chí khó thực hiện nhất so với các tiêu chí khác. Bởi trước đó, tỉnh luôn dành nhiều nguồn lực thể hiện thông qua các Nghị quyết tập trung cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ từ nhà nước cho phát triển các mô hình kinh tế, các liên kết chuỗi… Tuy nhiên, trên thực tế ở nhiều địa phương đã từng không ít mô hình kinh tế khi Nhà nước hỗ trợ thì làm, hết hỗ trợ đồng đất lại bỏ hoang, dẫn tới không ít xã, thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tới gần 80%.
Từ thực trạng trên, khi bước vào triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, thôn trên địa bàn tỉnh; đặt rõ mục tiêu, thời gian hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu theo từng giai đoạn; trong đó, lấy tiêu chí thu nhập làm trụ đỡ cho việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu khác. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo hướng nâng cao ý thức tự chủ động của người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vậy nuôi.
Anh Nguyễn Văn Hoà, thôn 4, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà, cho biết: 3 năm trước, cán bộ xã, thôn đến tuyên truyền vận động gia đình chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, được xã tạo điều kiện tham gia các khoá học chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây đào do huyện mở, gia đình tôi đã quyết định trồng thử cây đào với diện tích nhỏ thôi. Nhưng chỉ sau 2 năm, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn gấp hàng chục lần trồng cây lúa và các cây hoa màu khác, nên giờ gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích trồng cây đào để phục vụ nhu cầu thị trường ngày tết. Tôi rất vui, mỗi năm đã có thu nhập lên tới gần 500 triệu đồng.
Là một thôn không chỉ rộng nhất, địa hình phức tạp nhất so với 13 thôn còn lại của xã, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến trên 90%. Vì vậy, tiêu chí về thu nhập đã được xã triển khai bằng nhiều giải pháp đồng bộ, công tác tuyên truyền được tăng cường, đổi mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, xã phân công và gắn trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể, cán bộ phụ trách địa bàn thôn tuyên truyền vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Và với cách làm đó, các hộ gia đình ở xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) nói chung và gia đình ông Triệu Đức Sinh, thôn Nà Bắp nói riêng, kể từ khi được xã tuyên truyền vận động chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, được hỗ trợ vốn về mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, gia đình ông Triệu Đức Sinh đã mạnh dạn cải tạo lại hơn nửa héc ta đất rừng trước đó trồng keo để trồng cây dược liệu cát sâm.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng uỷ – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, cho biết: Qua kiểm tra thực tế tại vườn cây dược liệu của nhà ông Sinh, cây dược liệu cát sâm phát triển rất tốt. Mặc dù mới chỉ sau 2 năm trồng, nhưng mỗi gốc cát sâm đã đạt 2 kg và với đà sinh trưởng như hiện nay, khi thu hoạch mỗi gốc sẽ đạt từ 5 đến 6kg. Như vậy, tính theo giá thị trường như hiện tại là 180 nghìn đồng/kg, gia đình ông Sinh sẽ có số thu trên 1,5 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ những giải pháp đồng bộ đã và đang triển khai của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương, tiêu chí về thu nhập của người nông dân đã không ngừng tăng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến 31/12/2024 ước đạt trên 80 triệu đồng/người/ năm.