Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam. Do đó, các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump thời gian tới sẽ tạo ra cơ hội và thách thức đan xen với ngành gỗ.
Trong 11 tháng năm 2024, thặng dư của gỗ và sản phẩm gỗ trong đã đạt 12,11 tỷ USD. Mặc dù đem lại giá trị lớn nhưng ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ.
Tác động lớn từ các chính sách mới của Hoa Kỳ
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản/phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.
Như vậy, tính riêng thị trường Hoa Kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm, điều này cho thấy Hoa Kỳ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Hoa Kỳ sẽ có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới với các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai, mức thuế dự kiến sẽ đưa ra là 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
“Ngành gỗ Việt Nam có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Hoa Kỳ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc nhưng cũng có thể chịu các tác động tiêu cực. Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ, điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất,” ông Đỗ Xuân Lập dự báo.
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cũng khẳng định bức tranh ngành gỗ Việt chịu ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, do đó các chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng trong thời gian tới sẽ tạo nên những thay đổi tác động đến ngành gỗ của Việt Nam.
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc dự báo các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tạo ra 3 dòng dịch chuyển chính trong thời gian tới gồm: Dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia; dịch chuyển về dòng vốn đầu tư Trung Quốc sang các nước khác và chính sách dịch chuyển về lao động nhập cư. Những chính sách này sẽ có tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng thích ứng
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam cho rằng chính sách của chính quyền Trump mang đến cả cơ hội và thách thức. Do đó, Việt Nam cần linh hoạt trong việc thích ứng, tận dụng cơ hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa.
Chỉ ra các thách thức cụ thể, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du cho biết Hoa Kỳ yêu cầu gỗ xuất khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý và môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam chú ý vấn đề về chứng minh nguồn nguyên liệu không vi phạm luật pháp quốc tế.
“Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp. Hoa Kỳ có thể điều tra và áp thuế nếu phát hiện gian lận xuất xứ hoặc chuyển tải từ nước thứ ba, ví dụ: Trung Quốc chuyển hàng qua Việt Nam để né thuế,” Tiến sỹ Huỳnh Thế Du dự báo.
Sự thay đổi về các chính sách của Hoa Kỳ cũng sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác. Những quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể tận dụng lợi thế để tăng xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ, gây áp lực cạnh tranh lên sản phẩm củaViệt Nam. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ ngành gỗ nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo tiến sỹ Huỳnh Thế Du, doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng với các yêu cầu mới từ chính sách Hoa Kỳ, tăng cường đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Từ những thách thức và cơ hội của ngành gỗ trong thời gian tới, tiến sỹ Tô Xuân Phúc cho rằng các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ bằng cách nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro. Về dài hạn, nếu biết tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển đầu tư và thương mại toàn cầu, ngành gỗ Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu khu vực.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng nhận định ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bối cảnh thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, ngành gỗ đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện, từ phối hợp liên ngành đến nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp nhằm ứng phó hiệu quả và thích ứng với xu thế mới./.