Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu cắt giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường trong giai đoạn 2021-2030 và cắt giảm 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường đến năm 2050. Nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài đang được các sở, ngành, cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt.
Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Vấn đề quản lý và giảm thiểu phát thải khí nhà kính được chú trọng, lồng ghép trong các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Cùng với đó, hệ thống chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu có nhiều điểm mới, nhất là việc hoàn thiện quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính.
Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc, có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là trung tâm năng lượng của cả nước với trữ lượng than 3,6 tỷ tấn, mỗi năm khai thác trên 42 triệu tấn, với 7 nhà máy nhiệt điện với sản lượng hàng năm đạt 25-38 tỷ kWh, chiếm 15% tổng sản lượng điện cả nước. Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành đang phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, với việc thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp đặt ra nhiều thách thức về môi trường, đòi hỏi nhiều biện pháp ứng phó, giảm phát thải.
Ghi nhận tại Công ty CP Than Hà Lầm, để giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất, Công ty tính toán và đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất Than, tăng tính chất bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu “Mỏ xanh, sạch, đẹp, mỏ hiện đại an toàn, mỏ ít người”. Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, trong đó áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả vận hành và giảm phát thải; đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời để thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch; lắp đặt các hệ thống điều khiển điện chiếu sáng tự động, thông minh; thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn led tiết kiệm điện, đèn cảm ứng chuyển động; cải tiến hệ thống điều hòa không khí; trồng cây xanh…
Theo kịch bản phát thải thông thường (BAU), mức phát thải khí nhà kính năm 2024 của Công ty CP Than Hà Lầm là 191.072,20 tấn CO2td. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 9,6% kịch bản phát thải khí nhà kính thông thường, tương đương với 18.324,40 tấn CO2td.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 106 đơn vị, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tập trung chủ yếu vào ngành than, điện, công nghiệp chế biến, chế tạo. Để tăng cường công tác thực hiện, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng được các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh. Tháng 11/2024, Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol và Công ty Than Hòn Gai – TKV tổ chức hội nghị phổ biến quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng Ô-dôn và kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thông qua hội nghị, đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc kiểm kê khí nhà kính, nhằm thực hiện công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh cũng lập đồng bộ các quy hoạch chiến lược bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản, tăng cường phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong xử lý các vấn đề về bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, có chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tái cơ cấu nền kinh tế, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” và thực hiện thành công ba đột phá chiến lược. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030 và các định hướng cụ thể về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.