Chúng tôi tới vựa rau xã Tiền An khi vụ thu hoạch rau Thu – Đông cận kề. Đáng nói là ngoài rau, người nông dân đã linh hoạt chuyển đổi trồng hoa, cây ăn quả. Hình ảnh xóm làng trú phú, những nông dân thu nhập trăm triệu với khát vọng đổi mới, làm giàu ngày càng nhiều.
Từ ruộng lúa tới cánh đồng trăm triệu
Từ một xã thuần nông, trước đây chỉ canh tác cây lúa, gần đây, đời sống của người nông dân xã Tiền An đã đổi thay nhiều. Tò mò muốn “mục sở thị” sự thay da đổi thịt trên mảnh đất này, chúng tôi được đồng chí Bùi Thị Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân dẫn tham quan cánh đồng thôn Đình, Vườn Cau là hai vùng trồng rau chính của xã.
Vừa đi chị Huyền vừa kể: Trước đây, vùng đất màu mỡ Tiền An mà cha ông để lại là các vùng trồng lúa. Theo thời gian, cấy lúa, dù vất vả quanh năm, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” người nông dân cũng chỉ thu được 2 tạ thóc/sào, tương đương 1,6 triệu đồng/sào/vụ, mà họ cũng chỉ canh tác được 1 vụ xuân hè, vụ thu đông do thiếu nước nên bấp bênh. Từ năm 2012, mô hình rau an toàn đã được địa phương cùng Sở NN&PTNT hướng dẫn, phổ biến quy trình, đa dạng hóa cây trồng, cập nhật các cây giống mới chất lượng, năng suất cao. Người dân chuyển dần sang canh tác 1 vụ lúa 1 vụ rau/năm rồi chuyên canh biến Tiền An thành một trong những vựa rau lớn nhất tỉnh.
Chúng tôi tới cánh đồng thôn Đình, vốn nổi tiếng là phì nhiêu, thăm ruộng rau của gia đình ông Phạm Văn Chính trồng rau an toàn. Năm nay, hộ gia đình ông Chính canh tác hơn 1 sào su hào. Đất tốt, phương pháp canh tác khoa học, thời tiết thuận lợi nên su hào phát triển tốt. Ông Dư kể: Sau su hào, chúng tôi sẽ tranh thủ trồng các loại rau màu cho vụ Tết. Mùa nào cây ấy đủ các loại rau ăn lá, rau củ, chúng tôi áp dụng quy trình trồng rau an toàn, đa dạng hóa cây trồng. Thu nhập tăng nhiều so với canh tác lúa.
Trung bình một vụ, ông Chính có thể thu 4-5 tạ, thậm chí đạt 7-8 tạ rau/sào. Năm nay, gia đình ông có thể canh tác được 3 vụ rau ngắn ngày. Thu nhập cũng đạt 4-5 triệu/sào/vụ, nếu được mùa được giá thì cũng giúp các hộ trồng rau đạt thu nhập cả trăm triệu đồng/ha.
Từ cánh đồng thôn Đình, chúng tôi tới thăm các ruộng rau thôn Vườn Cau, cách đó chừng 500m, nơi phần lớn các hộ dân áp dụng mô hình rau an toàn. Chúng tôi tới thăm ruộng su hào của hộ gia đình ông Trần Trung Thanh đang vào vụ thu hoạch. Ông Thanh chia sẻ: Đây là một trong những vùng đất phì nhiêu màu mỡ, lại pha chút cát nên phù hợp rất nhiều loại cây trồng. Su hào là giống cây hợp thổ nhưỡng, năm nay thời tiết ấm rút ngắn thời gian gieo trồng, chỉ còn chừng 35 ngày thay vì khoảng 40 ngày.
Ông Thanh cho biết, ông rất vui khi sản lượng có thể đạt 4-5 tạ/sào, cao điểm có thể đạt 7-8 tạ/sào, ước thu được trung bình 5-7 triệu/sào, thậm chí cả chục triệu đồng/sào nếu được giá. Có lẽ bí quyết của người dân trên cánh đồng trăm triệu/ha ở Tiền An không chỉ là ưu ái của ruộng đất, thiên nhiên mà là sự linh hoạt trong việc chọn giống cây giống.
Ở ruộng kế bên, gia đình ông Vũ Tất Đạt canh tác khoảng 1 sào đỗ cô-ve đang cho thu hoạch. Ông Đạt kể: Tôi canh tác các loại rau màu khác với các ruộng kế bên, hết mùa rau, tôi chuyển trồng đỗ, hành tỏi hoặc các loại rau màu khác nhằm tạo sự đa dạng, dễ tiêu thụ.
Theo ông Đạt thì cả trăm hộ chuyên canh rau ở đây rất quan tâm tới giống, sự đa dạng các loại cây trồng, tạo sự đa dạng lại dễ tiêu thụ, tốt cho cây trồng. Ông bảo: “Đơn cử chúng tôi trồng hành, tỏi trên đất đã trồng rau thấy rất hợp. Chất thừa ở dưới đất sau trồng rau lại hợp với cây hành, tỏi. Ngược lại, chất trên ruộng trồng hành, tỏi lại rất tốt cho rau, trồng rất ít sâu bệnh. Đó là kinh nghiệm, cách “đổi đất” của người nông dân chúng tôi”.
Nhìn bàn tay của những người nông dân đã ngoài 60 như ông Thanh, ông Đạt vẫn thoăt thoắt chăm rau, rồi tranh thủ làm giàn chuẩn bị cho vụ trồng mướp, bầu, tôi mới hiểu, cánh đồng rau từ 100 triệu hoặc đạt 200-300 triệu đồng/ha là hiện thực mà người nông dân trồng lúa Tiền An trước đây vất vả “dãi nắng dầm mưa” chưa dám nghĩ tới.
Từ thực tế, hiệu quả kinh tế cao đã khiến người dân mau chóng “bắt” với mô hình này. Chị Bùi Thị Huyền, cho biết: Từ một vài hộ trồng rau an toàn nay con số đã lên tới hàng trăm hộ toàn xã. Chỉ riêng 2 vùng rau trọng điểm thôn Đình, Vườn Cau con số này đã là trên 300 hộ trồng rau an toàn.
Diện tích trồng rau và chuyển đổi sang trồng rau toàn xã là trên 436ha. Người dân càng gắn bó, yêu quý hơn mảnh đất của cha ông. Màu xanh, màu trú phú của cây rau dường như đã thay thế hẳn cây lúa, tạo một diện mạo mới cho vùng nông thôn nghèo.
Những cách làm giàu mới
Việc thay đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại thay đổi ngoạn mục trong đời sống người nông dân, diện mạo xã thuần nông Tiền An. Vì thế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng được quan tâm, được người dân hưởng ứng. Ông Tô Duy Tòng, Bí thư Đảng ủy xã Tiền An chia sẻ: Linh hoạt các loại cây trồng, cơ cấu mùa vụ nhằm phát huy tốt nhất diện tích đất đai vốn màu mỡ cha ông để lại là quan tâm hàng đầu của xã. Từ những thành quả trong canh tác, người dân lại ngày càng tin tưởng, nhanh chóng ủng hộ sự thay đổi cơ cấu cây trồng.
Có thể thấy, cũng trên chính vựa rau trọng điểm thôn Đình, thời điểm hiện tại đã dần trở thành vùng rau – hoa. Người dân tranh thủ không khí mát lành buổi sáng, hối hả tất bật chuẩn bị cho vụ hoa Tết trên các thửa ruộng trồng rau. Vừa hoàn thành thu hoạch rau, ông Phạm Văn Dư đã nhanh chóng làm đất để xuống giống khoảng 1.000 cây giống hoa cúc. Trước đó, trên chính các sào ruộng này anh đã trồng rau ăn lá, xuống giống các loại su hào, bắp cải…
Thế nhưng tất cả đều phải thu hoạch và làm đất xong trước tháng 10 để trồng hoa vụ Tết. Với thu nhập khá từ trồng hoa, năm nay ông kỳ vọng vườn hoa cúc, hoa ly, hoa dơn… sẽ đưa lại thu hoạch khoảng trên 40 triệu đồng/vụ, gấp nhiều lần so với canh tác rau.
Tương tự ở sào đất bên cạnh, ông Phạm Văn Chất cũng có hơn 3 sào trồng hoa cúc, đơn, thược dược. Vừa thu hoạch các loại rau màu, ông Chất đã kịp làm đất để xuống giống các loại hoa cúc, hoa dơn. Với thành quả của vụ hoa trước, ông Chất kỳ vọng “thắng” trên 30 triệu đồng vụ hoa xuân năm nay.
Theo chị Bùi Thị Huyền thì hiệu quả rõ ràng việc chuyển đổi mô hình rau – hoa vụ Tết, cho thu nhập cao hơn hẳn. Vì thế, hiện toàn xã có khoảng 200 hộ theo cách làm này, trong đó phần lớn tập trung ở thôn Đình, rải rác ở thôn Giếng Đá, Vườn Chay.
Chia sẻ về khát vọng làm giàu của người nông dân Tiền An, ông Tô Duy Tòng cho biết thêm: Gần đây người dân Tiền An cũng biết phát huy thế mạnh của cây na bở, vốn được thị trường rất chuộng. Người nông dân Tiền An đã nhanh chóng nắm bắt, khôi phục giống na truyền thống. Na bở Tiền An có hình dáng, mẫu mã đẹp, mắt sáng, vị ngọt sắc. Đặc biệt những năm gần đây, na bở Tiền An đã dần xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhất là vào đầu mùa, giá na bở loại 1 mua tại vườn khoảng 100.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 80.000 đồng/kg. Với giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân ở xã Tiền An đã chuyển đổi sang cây trồng na bở từ diện tích trồng nhãn, vải không hiệu quả.
Hiện diện tích na tập trung chủ yếu ở thôn Vườn Chay với trên 80ha. Số hộ trồng na trên toàn xã khoảng gần 100 hộ tập trung ở Vườn Chay, rải rác ở thôn Đình, Giếng Đá. Đặc biệt có 1 hộ ở thôn Chùa trồng na Đài Loan, có giá thành gấp 3-4 lần na bở truyền thống, hứa hẹn đem lại nguồn thu mới cho người dân.
“Tuy nhiên điều đáng lo chính là đầu ra các sản phẩm của người nông dân Tiền An thường hay bị tình trạng “được mùa mất giá” nên chúng tôi cũng tính tới mô hình quản lý qua hợp tác xã, tích cực xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng sản phẩm theo hướng VietGAP… Thế nhưng, các mô hình này còn thiếu sự quan tâm của người dân cũng như nguồn lực để thực hiện” – ông Tòng cho biết thêm.