Tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng TKV năm 2024 diễn ra tại TP Hạ Long từ ngày 4-8/11, Đoàn nghệ thuật quần chúng của Công ty Than Hòn Gai đã được trao giải đặc biệt. Đây là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực không mệt mỏi của các nghệ sĩ diễn viên trong Công ty. Tuy nhiên, phần thưởng đó cũng không bất ngờ cho khán giả khi theo dõi nền tảng truyền thống phong trào văn nghệ quần chúng ở Than Hòn Gai trong những năm qua.
Trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hiện nay, Công ty Than Hòn Gai là đơn vị đầu tư rất nhiều cho phong trào văn hóa văn nghệ, cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực. Văn hóa văn nghệ đã tạo không khí thư giãn cho người lao động để thợ lò hiểu rằng nghề đào lò dẫu có gian lao nhưng đời sống tinh thần luôn phong phú. Hằng năm, Công ty tổ chức các chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng để thợ mỏ tham gia. Công ty đã có những cách làm khá bài bản.
Trước hết là tìm kiếm và đào tạo các năng khiếu văn hoá văn nghệ từ các phòng, ban, phân xưởng thông qua các lớp học thanh nhạc, các phong trào văn nghệ quần chúng của đơn vị. Gần đây, thông qua các chương trình tổ chức sinh nhật cho anh em, đơn vị cũng qua đó phát hiện được các nhân tố bổ sung cho lực lượng đội văn nghệ của Công ty. Những hạt nhân phong trào này thường xuyên được giảng dạy, nâng cao kiến thức từ các giáo viên thanh nhạc do đơn vị mời về phục vụ cho các giải Hội diễn văn nghệ quần chúng.
Phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh từ nhiều năm trước đây mang đến cho Công ty Than Hòn Gai không khí vui tươi phấn khởi, tạo sự đoàn kết, gắn bó, góp phần thúc đẩy sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ và xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp. Cũng chính từ phong trào mà Than Hòn Gai đã có nhiều ca sĩ đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa nghệ thuật trở thành nghệ sĩ không kém gì nghệ sĩ chuyên nghiệp như: Lệ Quyên, Phương Điệp, Sao Mai, sau này là Hồng Chinh, Quang Ước, Nguyễn Trọng Hiến, Đỗ Xuân Trường, Ngọc Mai, Quách Thị Hằng, Phạm Văn Phong…
Trong dàn đồng ca đó, đáng chú ý có tam ca nữ thường xuyên hát cùng nhau nhiều năm nay là Phương Điệp, Lệ Quyên và Sao Mai đều tự trưởng thành qua mấy chục năm cống hiến với phong trào văn nghệ quần chúng. Đặc biệt, Nghệ sĩ Vùng mỏ Sao Mai sinh năm 1973 vốn là nhân viên kế toán nhưng đã dần trở thành hạt nhân phụ trách phong trào văn hoá văn nghệ của Xí nghiệp Than Cao Thắng, Công ty Than Hòn Gai. Và trong lĩnh vực này, chị đã có những thành công đáng kể về hát, múa được trao tặng giải nhất Liên hoan Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh năm 1998; được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ và nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn trong tỉnh, ngoài tỉnh và của ngành Than…
Tam ca Phương Điệp, Lệ Quyên và Sao Mai thường có sự dàn dựng công phu, âm nhạc masshup hợp lý, có lồng ghép dân gian, nhạc ráp về ngành nghề của mình. Ví dụ như tiết mục tam ca nữ “Chảy đi sông ơi” thể hiện bè bối và múa phụ họa khá hòa quyện và rất có hiệu quả.
Một điều đặc biệt nữa ở Than Hòn Gai là có một giám đốc đi lên từ phong trào văn nghệ quần chúng trở thành nhạc sĩ được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong 9 năm làm Giám đốc Công ty này, nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm với những sáng tác của mình đã giúp Than Hòn Gai biến cái không thể thành cái có thể, đẩy mạnh phong trào văn nghệ – thể thao. Công ty Than Hòn Gai đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ông Lê Nguyên Thêm được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều bài hát của ông không chỉ được coi là “Công ty ca” mà đã lan tỏa, vang lên ở nhiều sân khấu lớn nhỏ trong tỉnh, được nhiều thế hệ thợ mỏ say mê ca hát.