Hoạ sĩ, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên giảng viên Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, là một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế bối cảnh và viết kịch bản phim. Ông đã xuất bản cuốn sách “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình” (NXB Hội Nhà văn – 2022), được đánh giá là cuốn cẩm nang có ích cho cả những người được đào tạo hoặc độc giả tự đào tạo theo nghề viết kịch bản phim truyện truyền hình. Nhân dịp PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đến Quảng Ninh dự lớp tập huấn nâng cao về phim tài liệu, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn với ông.
– Thưa ông, với vai trò của một người làm bối cảnh, ông đánh giá như thế nào về thế mạnh của Quảng Ninh trong việc xây dựng bối cảnh cho phim?
+ Như chúng ta đã biết là một bộ phim, chuyện bất kỳ thì đều cần phải có bối cảnh. Bối cảnh, tức là không gian sống chứa hành động, nhân vật, bối cảnh có thể là ngoại cảnh thiên nhiên, cảnh được dàn dựng, trong nhà, ngoài đường, bãi biển, bờ sông… Nói đến Quảng Ninh là nhớ đến Hạ Long với bối cảnh tuyệt vời. Con người Quảng Ninh thì hiền hoà hiếu khách. Không có lý do gì mà không phát triển điện ảnh.
Quảng Ninh có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, có biển, có đất liền và rất nhiều các bộ phim đã lấy bối cảnh ở Quảng Ninh vào trong các bộ phim nổi tiếng. Chúng ta biết, bộ phim “Đông Dương” của điện ảnh Pháp mà hình ảnh của Quảng Ninh đã được nhiều người trên thế giới biết đến thông qua các cảnh quay. Sau đó có rất nhiều bộ phim của Việt Nam đã làm về những khung cảnh của Vịnh Hạ Long, những hang động, những chiếc thuyền trên bến… Chúng tôi cho rằng, Quảng Ninh vẫn mãi mãi là một trong những địa chỉ cần đến của các đoàn làm phim trong nước, kể cả của nước ngoài.
– Vậy còn về góc độ đề tài, từ góc nhìn của một chuyên gia về kịch bản, ông đánh giá thế nào về nguồn đề tài ở Quảng Ninh cho phim?
+ Quảng Ninh có nguồn đề tài phong phú cho phim tài liệu, trong đó có nhiều nhân vật hay, có nhiều chương trình, sự kiện. Con người Quảng Ninh luôn kiên cường, lạc quan, yêu đời, vượt khó, vượt lên số phận. Tất cả khi đưa vào phim tài liệu sẽ rất sống động. Như trên tôi đã nói, Quảng Ninh cũng có nhiều bối cảnh để đưa vào phim truyện. Có thể nói, những bối cảnh đó cực kỳ hấp dẫn.
– Và một câu chuyện nữa là Quảng Ninh có thế mạnh về du lịch. Thế thì sự bắt tay giữa điện ảnh và du lịch, nó sẽ thuận lợi như thế nào trong việc mà phát triển công nghiệp điện ảnh tại Quảng Ninh, thưa ông?
+ Tất nhiên như chúng ta đã biết, trong công nghiệp văn hóa thì công nghiệp điện ảnh là một trong những mũi nhọn. Trên thực tế, điện ảnh góp phần kích cầu cho du lịch thông qua nhiều bộ phim nổi tiếng. Ví dụ như chúng ta đã thấy, bộ phim “King Kong – Đảo Đầu Lâu” được quay ở Hạ Long, Ninh Bình, Phong Nha Kẻ Bàng. Phim đã làm cho phong cảnh của các địa phương này trở nên nổi tiếng được nhiều người biết đến và sau đó là hàng loạt khách du lịch đến đây.
Ở Quảng Ninh, sau khi phim “Đông Dương” được công chiếu thì rất nhiều khách du lịch đã đến với Quảng Ninh mà Vịnh Hạ Long là một trong những địa danh nổi tiếng quốc tế. Thế nên, tôi nghĩ rằng, điện ảnh sẽ góp phần kích cầu cho du lịch. Bởi những bộ phim, cả bối cảnh diễn ra bộ phim, những câu chuyện kể nó cũng làm cho người ta phải chú ý và trên cái nền của nhân vật, rồi hành động của nhân vật, biểu cảm của nhân vật. Chúng ta thấy đó là không gian, bối cảnh. Nếu mà không có bối cảnh thì không có phim. Và chính cái bối cảnh Quảng Ninh mà được lên phim, được lên điện ảnh thì người ta sẽ biết đến nhiều hơn và người ta sẽ có nhu cầu đến với Quảng Ninh.
Có thể nói rằng, điện ảnh góp phần làm cho du lịch phát triển và chính du lịch cũng làm cho điện ảnh mà có thể càng ngày càng vững mạnh hơn. Bởi những bộ phim nổi tiếng thì gắn liền với các khung cảnh. Ví dụ như các bạn thấy phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sau khi chiếu thì rất nhiều người đến với Phú Yên.
– Trong Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trong mong muốn của nhiều văn nghệ sĩ thì sẽ xây dựng Hạ Long thành một trung tâm điện ảnh. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?
+ Đây là một ý tưởng hay. Tôi nghĩ trong cả nước có rất nhiều những nơi xứng đáng trở thành trung tâm để phát triển điện ảnh. Hiện nay, Hạ Long, Quảng Ninh rồi Hà Nội, Nha Trang, Huế, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau… ở đâu chúng ta cũng có phong cảnh đẹp. Việt Nam có trên 3.000km bờ biển, có nhiều thế mạnh về thiên nhiên mà nhiều nơi hiếm có. Chúng ta như một cái căn nhà mặt tiền mà lại đầy nắng. Rất là nhiều người châu Âu mơ đến Việt Nam, bởi vì ở đây nắng gió thuận hòa và người ta cảm thấy ấm áp, thèm những cái nắng vùng nhiệt đới.
Thiên nhiên của Việt Nam rất là đẹp. Vấn đề là chúng ta giữ gìn nó như thế nào để nó không bị ô nhiễm, để có thể mời gọi được nhiều khách du lịch đến trong một cái gọi là du lịch xanh. Tức là vừa đến vừa tận hưởng không khí, cảnh quan, tận hưởng sự ưu đãi của môi trường nhưng đồng thời cũng phải biết làm đẹp môi trường, giữ sạch cho môi trường để có thể phát triển bền vững.
– Ngoài việc tận dụng những lợi thế sẵn có như đã phân tích bên trên, Quảng Ninh cần làm gì để phát triển điện ảnh, thưa ông?
+ Để mời gọi nhiều hơn nữa các đoàn làm phim đến Quảng Ninh thì cần có cơ chế thông thoáng, có chính sách ưa đãi. Hơn hết cần có những quyết sách của lãnh đạo tỉnh để hỗ trợ các đoàn phim. Tôi ví dụ như giảm thuế, giảm chi phí cho các đoàn phim, hỗ trợ thuê nhân lực tại chỗ. Thậm chí có thể miễn thuế cho đoàn phim tư nhân. Tôi rất mừng là khán giả Việt Nam vẫn không hờ hững với phim Việt. Phim Việt, câu chuyện Việt quay ở bối cảnh Quảng Ninh, tôi tin sẽ hấp dẫn. Nhưng muốn làm phim lại phải có vốn, phải đầu tư vốn. Đầu tư vốn thì chưa chắc chắn sẽ có phim hay. Tuy nhiên, việc đầu tư vốn cực kỳ quan trọng có thể nói là quyết định vì nếu không đầu tư sẽ không có gì.
– Trong thời gian tới, nên chăng Hội Điện ảnh Việt Nam mở thêm những lớp tập huấn về điện ảnh tại các địa phương như đã làm ở Quảng Ninh?
+ Chúng tôi nghĩ rất nhiều đến việc tập huấn, chú trọng các nội dung số. Bởi vì theo thông tin mới nhất mà chúng tôi biết được, khi đến Hollywood của Mỹ, đến với trung tâm của Google và người ta cho biết là 1 tháng thì trung bình có đến 5 tỷ người vào theo dõi trên cái nền tảng số trong Google, trong Youtube. Hơn thế, 1 năm có đến khoảng chừng 150 tỷ người trên thế giới truy cập vào Youtube. Cho nên trong thời đại số, việc sáng tạo ra những nội dung số với một thời lượng khoảng 2,5-3 phút là một nhu cầu của thời đại. Hội Điện ảnh Việt Nam mở các lớp tập huấn nâng cao trong chương trình sắp tới sẽ bàn về cái gọi là chia sẻ cũng như sáng tạo các nội dung số.
Nội dung số thứ hai nữa là chúng ta muốn sáng tạo là nghe, nhìn âm thanh và hình ảnh thì phải có kịch bản. Cho nên, trong thời gian tới, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ mở những lớp hướng dẫn về phương pháp thực hành soạn thảo kịch bản điện ảnh, soạn thảo kịch bản truyền hình cũng như soạn thảo những nội dung kịch bản cho chương trình số.
– Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!