Tại Kỳ họp lần thứ 23, HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết số 142/2024/QH15 (ngày 29/6/2024) của Quốc hội, Công văn số 5343/VPCP-KSTT (ngày 27/7/2024) của Văn phòng Chính phủ. Quảng Ninh là một trong 4 địa phương trong cả nước (Quảng Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương) thực hiện mô hình thí điểm này.
Năm 2015, Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh Quảng Ninh thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg (ngày 28/10/2015) của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc UBND tỉnh. Trung tâm là cơ quan đầu mối tập trung thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ TTHC, tổ chức giải quyết TTHC và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo quy định; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân; tham mưu các giải pháp cải cách TTHC, hiện đại hóa hành chính.
Ở cấp địa phương, Trung tâm HCC các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) do UBND tỉnh quyết định thành lập, chịu sự quản lý, chỉ đạo của UBND cấp huyện. Trung tâm HCC cấp huyện có chức năng làm đầu mối để các phòng, ban, đơn vị, tổ chức cử CCVC đến hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, TTHC của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, Trung tâm HCC từ tỉnh đến cơ sở đã đáp ứng việc cung ứng dịch vụ HCC từ hệ thống cơ sở hành chính nhà nước đến với tổ chức, doanh nghiệp và người dân; tập trung về quy trình tiếp nhận và giải quyết theo nguyên tắc 5 bước tại chỗ “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả” và 5 bước trên môi trường điện tử “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả trên môi trường điện tử” đồng bộ từ tỉnh đến cấp xã. Hiện, TTHC được thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.875 thủ tục, trong đó có 1.353 TTHC cấp tỉnh, 396 TTHC cấp huyện và 126 TTHC cấp xã.
Qua mô hình Trung tâm HCC, người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục; thủ tục, giấy tờ đơn giản, quy trình rõ ràng; phí, lệ phí được niêm yết công khai, minh bạch; thời gian thực hiện được rút ngắn hơn so với quy định. Quảng Ninh nhiều năm được đánh giá là một điển hình tốt, nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về cải cách TTHC theo các chỉ số đánh giá chính quyền địa phương của Trung ương.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt trong bối cảnh mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh Quảng Ninh cùng với 3 địa phương trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ HCC một cấp. Hiện nay, Đề án thực hiện mô hình thí điểm này đã được UBND tỉnh hoàn thiện và trình Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh khóa XIV. Được thông qua, mô hình thí điểm Trung tâm Phục vụ HCC một cấp trực thuộc UBND tỉnh tổ chức lại trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp xã; được đặt tên là Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh Quảng Ninh.
Theo Đề án, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh Quảng Ninh là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh về tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, cho biết: Trước đây, Trung tâm HCC trực thuộc nhiều cấp, còn sau khi được thành lập thí điểm theo mô hình mới, Trung tâm Phục vụ HCC chỉ có một cấp (cấp tỉnh). Theo đó, bên cạnh trụ sở chính đặt tại tỉnh, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh có 13 chi nhánh đặt tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và 156 bộ phận tiếp nhận, trả kết quả tại các xã, thị trấn. Trung tâm có 159 chỉ tiêu công chức, người làm việc, hợp đồng lao động. Cơ sở vật chất được tận dụng tối đa từ các trụ sở làm việc đã có của Trung tâm HCC cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã trước đây.
Theo nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân và cử tri toàn tỉnh, việc thực hiện thí điểm Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh Quảng Ninh là cần thiết, khi mà nhu cầu thực hiện giải quyết các TTHC của người dân, doanh nghiệp ngày một nhiều; tạo đột phá, nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập, năng suất lao động, kết hợp cung cấp dịch vụ HCC của các đơn vị hành chính trên địa bàn, hướng đến giải quyết TTHC phi địa giới hành chính.