Vận động viên (VĐV) wushu Nguyễn Thúy Hiền thử thách bản thân ở tuổi 45 khi tham gia “Chị đẹp đạp gió” 2024. Cô bén duyên nghiệp võ từ năm 12 tuổi, sớm trở thành hạt giống tiềm năng của wushu Việt Nam thập niên 90 và đầu những năm 2000, được công chúng đặt biệt danh “nữ hoàng wushu”. Năm 1993, cô trở thành người Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Vàng tại Giải vô địch wushu thế giới khi mới 14 tuổi.
Cựu VĐV Thúy Hiền có cuộc trò chuyện với phóng viên để nhìn lại hành trình đã đi qua và hình ảnh ở “Chị đẹp đạp gió” 2024.
Thúy Hiền từng là vận động viên xuất sắc, được trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Quá khứ của một cô gái vàng wushu có giúp chị định vị tên tuổi và vị trí ở “Chị đẹp đạp gió“?
– Tôi nghĩ tôi không có nhiều điểm mạnh khi tham gia chương trình. Ở Công diễn 1, tôi nhận thể loại Performance (trình diễn) nhưng cũng không phải sở trường của tôi. Tôi tìm cách truyền tải cảm xúc đến khán giả kể cả khi tôi không phải ca sĩ chuyên nghiệp.
Tôi không tham gia chương trình để khẳng định tên tuổi. Tôi muốn khám phá bản thân, có thể làm được gì khác ngoài võ thuật không. Từ đó, cuộc sống của tôi sẽ lãng mạn, thú vị hơn. Tôi không có ý định chứng minh cho ai về thành tích của mình, mà muốn truyền thông điệp tích cực cho phụ nữ, để mọi người có cái nhìn khác về căn bệnh trầm cảm.
Tôi đã trải qua giai đoạn trầm cảm kéo dài, mất nhiều thời gian để điều trị. Người thân, gia đình đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn ấy. Tôi đến “Chị đẹp đạp gió” để truyền cảm hứng, để mong những ai đang trải qua giai đoạn như tôi có động lực để vượt qua căn bệnh.
Chị vượt qua giai đoạn trầm cảm như thế nào?
– Giờ đây, căn bệnh trầm cảm không còn xa lạ, có thể xảy ra với bất kỳ ai. Với những ai chưa trải qua, họ sẽ thấy khó hiểu. Thời gian mới mắc trầm cảm, những người trong gia đình cũng không hình dung được về căn bệnh đó. Việc được lắng nghe, chia sẻ đúng cách rất quan trọng với những người bị trầm cảm.
Thời điểm đó, những cảm xúc tiêu cực trong tôi như nỗi buồn, sự thất vọng, nỗi đau… được nhân lên nhiều lần. Tôi cảm thấy những khát khao, hy vọng, đam mê của mình ngày trước không còn ý nghĩa. Những khó khăn tôi từng trải qua, từ ly hôn đến một mình nuôi con, cũng không là gì với tôi.
Đi qua nhiều thăng trầm, tôi đã ổn hơn, sức khỏe cân bằng. Nhiều người khen tôi trẻ đẹp, nhưng tôi không có bí quyết gì đặc biệt. Tôi tập thể thao mỗi ngày đều đặn, kể cả những ngày ốm hay trong giai đoạn bị trầm cảm.
Sau hành trình đi qua nhiều sóng gió, vượt qua trầm cảm, Thúy Hiền vẫn trẻ đẹp sau ngần ấy năm rời xa thể thao. Vinh quang thời thi đấu đỉnh cao có ý nghĩa như thế nào với chị hiện tại?
– Khi còn trẻ, tôi chưa hiểu được ý nghĩa của hai chữ vinh quang. Nhưng giờ đây, tôi mới hiểu được giá trị của những tấm huy chương, huân chương, bằng khen. Không chỉ là giá trị về tinh thần mà còn là sự công nhận của Nhà nước, công chúng. Khi có con, tôi có thể kể câu chuyện của mình để động viên các con theo đuổi đam mê, cống hiến hết mình.
Lý do chị quyết định đến với sân chơi “Chị đẹp đạp gió mùa 2” là gì? Chị đã hình dung ra kịch bản khi chị – một cựu vận động viên wushu – sẽ phải “đấu” với dàn ca sĩ danh tiếng như Minh Hằng, Tóc Tiên… Và có thể bị loại sớm?
– Tôi có nhiều lý do khi tham gia “Chị đẹp đạp gió”. Khi nhận lời từ chương trình, tôi cũng chia sẻ rằng, tôi bị trầm cảm đã lâu. Các con, gia đình, bạn bè đều động viên, mong tôi xuất hiện trở lại, trở nên vui vẻ, năng động và để khán giả trẻ biết đến tôi nhiều hơn. Có lẽ chỉ nhiều khán giả lứa 9X trở về trước biết đến tôi, nên mọi người xung quanh cũng mong chờ tôi tham gia chương trình và mang đến những màn trình diễn đậm chất võ thuật.
Khi nhận lời, tôi không biết nhiều về những gương mặt trong giới giải trí. Trong khi đó, các con tôi lại biết rõ hơn. Con tôi nói chương trình này rất hay, rất ý nghĩa và được quan tâm. Các con mong hình ảnh Thúy Hiền ngày xưa quay trở lại.
Sau khi nghỉ thi đấu, tôi nhận được lời mời từ nhiều chương trình nhưng từ chối vì có thời điểm đó tôi không muốn xuất hiện trước công chúng. Đến khi sức khỏe tôi ổn định hơn, các con lớn hơn, có sự ủng hộ từ gia đình, tôi quyết định cởi bỏ vỏ bọc tâm lý trói buộc mình lâu nay và mang đến những điều tích cực.
Ở những tập đầu, khán giả có thể nhận thấy, cô gái vàng wushu khi xuất hiện hình như không được khỏe, chị bị đau chân ở tập 1, và đến tập 3 khi về ký túc xá đã vội đi… nằm. Chuyện gì đã xảy ra với Thúy Hiền?
– Các đồng nghiệp vào chương trình rồi mới đạp gió rẽ sóng, nhưng tôi bị “gió đạp” trước khi bắt đầu. Việc bị chấn thương là nỗi buồn đối với tôi. Sau vòng solo, tôi thấy chấn thương đó lại là điều may mắn vì tôi được những người xung quanh chăm sóc, yêu thương. Tôi sợ phiền đến mọi người nhưng thực chất ê-kíp, các chị đẹp không phiền hà khi thấy tôi đau chân. Tôi không còn tự ti vì chấn thương nữa, có thêm động lực và quyết tâm làm thật tốt ở vòng solo, đáp lại tình cảm của mọi người. Khi trình diễn, tôi rất đau nhưng cố gắng làm hết sức để không phụ lòng những người đã yêu thương mình.
Ngoài vấn đề về sức khỏe, Thúy Hiền đã chuẩn bị cho mình những gì khi tham gia một cuộc thi về hát, trình diễn vũ đạo như “Chị đẹp đạp gió”?
– Tôi không chuẩn bị nhiều vì gặp chấn thương trước khi ghi hình 2 tháng. Tôi dự định học nhảy học hát, bổ trợ trình diễn nhưng khi đau chân, tôi không làm gì được. Tôi chỉ có thể chờ chân đỡ dần để di chuyển, tập luyện cho sân khấu solo. Khi trình diễn, tôi phải nẹp chân đến đầu gối để tránh trường hợp tôi phấn khích quá, làm những động tác khác đi thì rất dễ chấn thương nặng hơn. Nhưng khi nẹp chân, tôi lại không thể cử động chân.
Ở các video hậu trường, có thể thấy, tình cảm và sự gắn bó giữa Thúy Hiền và ca sĩ Thu Phương. Cuộc sống ở ký túc xá của chị diễn ra thế nào?
– Tôi được sắp xếp giường ở dưới, vô tình sát giường chị Phương. Tôi và chị Thu Phương đã có nhiều lần diễn với nhau thời trẻ, thường kết hợp trong các chương trình biểu diễn cho thiếu nhi. Thời đó tôi chưa lập gia đình, và rất ngưỡng mộ chị Phương. Khi gặp lại ở “Chị đẹp đạp gió”, chị Phương bất ngờ khi thấy tôi chấn thương. Nhưng chị chuyển sắc mặt ngay và động viên tôi “chuyển bại thành thắng”, vượt qua những điều không may.
Tính cách tôi không hòa nhập được nhanh như các bạn trẻ. Tôi đau chân nên khi vào nhà chung, tôi chỉ có thể nằm. Khi xem lại cuộc sống nhà chung ở các video trên mạng, tôi thấy có 2 khu vực rất khác nhau. Phía các bạn trẻ rất vui, rất ồn ào sôi động, còn phía mình và chị Thu Phương thì yên tĩnh, nhẹ nhàng hơn. Không gian ở giữa là nơi mọi người giao lưu, nhưng tôi không tham gia được quá nhiều hoạt động vì vấn đề sức khỏe.
Chị nghĩ mình sẽ có được điều gì khi tham gia một cuộc thi hát như “Chị đẹp đạp gió”?
– Tôi cảm động khi được gặp gỡ các đàn chị giàu kinh nghiệm mà tôi hâm mộ từ ngày nhỏ. Tôi từng xem họ diễn nhiều và chính họ lại là người chỉ dạy cho tôi về mảng ca hát. Đó là cơ hội tốt để chúng tôi giao lưu với nhau.
Tôi nghĩ không chỉ tôi mà ai cũng “choáng” vì cường độ tập luyện quá cao. Vì chúng tôi gần gũi và tình cảm với nhau nên ai cũng thấy đánh đổi bao nhiêu đều xứng đáng. Được sinh hoạt và tập luyện cùng nhau, chúng tôi thấy được những khoảnh khắc mệt mỏi, áp lực, chấn thương. Chúng tôi thương nhau hơn vì đã cùng trải qua những ngày tập luyện cường độ cao. Chúng tôi như một gia đình lớn.
Thật ra, khi xem “Chị đẹp đạp gió” mùa 1 hay “Anh trai vượt ngàn chông gai”, tôi nghĩ mọi người sướt mướt, nhạy cảm và mau nước mắt. Nhưng khi tham gia rồi, tôi thấy tôi cũng sướt mướt không khác gì họ. Tôi nghĩ các chị đẹp khác cũng có cảm giác giống tôi. Cường độ tập luyện khắc nghiệt và tôi chỉ có vài ngày từ lúc nhận ca khúc đến khi tổng duyệt. Các ca sĩ chuyên nghiệp bắt nhịp nhanh nhưng tôi có nhiều bài hát còn không thuộc. Tôi phải nhớ giai điệu, nhớ lời, nhớ vũ đạo. Điều đó rất khó với tôi. Thậm chí, tôi phải nhẩm thuộc bài hát trong lúc làm việc nhà. Tôi nghe nhạc khi rửa bát, quét nhà, mỗi khi có thời gian rảnh để nhớ thật kỹ.
Tham gia chương trình đúng chất là “đạp gió”, vì mọi thứ không dễ dàng, không màu hồng. Tôi nghĩ rằng khi chúng tôi phải làm mọi thứ chỉn chu trong thời gian ngắn, đó cũng là một trải nghiệm thú vị, đầy cảm xúc. Mỗi người đều nỗ lực hơn, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho đồng đội – vốn có những thế mạnh khác nhau – và mang đến những tiết mục hay. Do đó, có các chị đẹp rơi nước mắt khi hoàn thành màn trình diễn.
Đừng bao giờ nghĩ mình hết thời, chị nghĩ như thế nào về câu nói này?
– Dù đã hết thời, nếu bạn đón nhận nó một cách tự nhiên, đó vẫn là điều tích cực. Tôi không thể bay lộn như ngày trước, nhưng tôi vẫn có thể mang đến tinh thần thể thao. Hết thời hay không nằm ở góc nhìn của mỗi người.
Tôi hết thời thì các bạn trẻ sẽ tỏa sáng, hoặc những đàn anh đàn chị hết thời thì tôi mới có thể vô địch thế giới.
Điều quan trọng là ổn định được cảm xúc qua mỗi giai đoạn cuộc đời. Và luôn thấy sự tươi đẹp trên những chặng đường mình đã đi qua, để sống đẹp hơn trong những ngày sắp tới.