Để cải thiện vai trò vị thế của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã thực hiện phong trào hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp chị em vươn lên làm giàu chính đáng.
Trên cơ sở bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh và tình hình kinh tế của các địa phương, các cấp Hội phụ nữ đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tập trung xây dựng những mô hình làm kinh tế có hiệu quả. Trong đó kết nối, hỗ trợ cho phụ nữ vay vốn làm kinh tế được xem là biện pháp có nhiều hiệu quả trong những năm gần đây.
Gia đình chị Chíu Thị Hoa ở chi hội thôn Đồng Và, xã Yên Than, huyện Tiên Yên, vừa được duyệt vay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm. Bằng số tiền này, chị Hoa đã mở rộng quy mô vườn ươm, cung cấp cây giống các loại bao gồm quế, tùng, giổi…) cho các hộ trồng rừng gỗ lớn trong và ngoài huyện.
Đây là lần thứ 3 chị Hoa được giải quyết cho vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, để từng bước xây dựng và phát triển mô hình trồng rừng và vườn ươm. Chị Hoa cho biết: Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã Yên Than, tôi đã được vay vốn lần đầu tiên để trồng rừng và gây dựng vườn ươm các giống cây, lần thứ 2 vay vốn để làm giếng khoan, cung cấp nước tưới cho vườn ươm và đến nay là lần thứ 3 tôi được vay để mở rộng mô hình với quy mô lớn hơn gấp 2 lần. Tôi rất biết ơn phụ nữ trong xã đã động viên và kết nối để gia đình tôi được vay vốn, phát triển kinh tế. Tới đây, mô hình được mở rộng tôi cũng sẽ tạo được việc làm cho một số chị em trong thôn.
Thực hiện các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt ở các vùng đồng bào DTTS, các cấp Hội đã tích cực hỗ trợ hội viên đăng ký thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ cây, con giống, vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nhiều mô hình đã được hội viên phụ nữ duy trì, thực hiện hiệu quả, giúp các hộ ổn định cuộc sống, tạo nhiều việc làm cho các nữ lao động khu vực nông thôn, miền núi.
Không chỉ tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS vay vốn đầu tư, phát triển kinh tế. Các cấp Hội LHPN trong toàn tỉnh còn thường xuyên nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chị em trong chuyển đổi, chuyển giao mô hình kinh tế cho phù hợp. Như mô hình trồng thanh long ruột đỏ của bà Ngô Thị Thuận ở khu phố 1, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, được Hội LHPN hỗ trợ thực hiện từ năm 2012. Mô hình này đã mang lại hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình bà Thuận. Nhưng đến nay do chất lượng cây không còn đảm bảo, nên từ đầu năm 2024, bà Thuận tiếp tục đề xuất với Hội LHPN để được hỗ trợ triển khai chuyển đổi cây trồng theo mô hình canh tác mới.
Trước nguyện vọng chính đáng của hội viên Ngô Thị Thuận, các cán bộ Hội LHPN huyện và thị trấn Ba Chẽ đã trực tiếp đến khảo sát, nắm tình hình hiện trạng tại vườn nhà; làm cơ sở bước đầu tiến hành cho việc hỗ trợ vốn, giống, tư vấn kỹ thuật theo nhu cầu, điều kiện của hội viên.
Có thể thấy các mô hình kinh tế do phụ nữ DTTS thực hiện đa dạng và phong phú hơn rất nhiều so với trước kia. Điểm nổi bật là các mô hình đều phát huy tính tự chủ của hộ gia đình, trong đó người phụ nữ đã thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình, từ việc thay đổi nhận thức trong cách làm, đến việc chủ động vận động chồng con, các thành viên trong gia đình tích cực, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng KHKT, CNTT trong các hoạt động phát triển kinh tế.