Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Với tốc độ tăng trưởng 25% trong năm 2023, Việt Nam thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Nam Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trước thực tế thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng chủ động tham gia mạng lưới tiêu dùng này.
Năm 2023, Quảng Ninh có doanh số thương mại điện tử nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Hiện tỉnh có 156 website về thương mại điện tử, trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Phát triển thương mại điện tử là cơ sở để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hợp tác xã có thể tiếp cận tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử.
Không để tụt hậu trong quá trình chuyển dịch mạnh mẽ từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử, các đơn vị cũng nỗ lực học hỏi, tìm cách hoà vào làn sóng thương mại điện tử. Phát sóng livestream, chủ động quay các đoạn video ngắn đăng tải lên các tài khoản mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm là cách mà anh Nguyễn Văn Mạnh, người vừa vinh dự đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y võ thực hiện gần đây, trên hành trình hòa nhập làm thương mại điện tử. Đối với những người sản xuất trực tiếp như anh Mạnh, thương mại điện tử được xem là lĩnh vực khá mới, song cũng là xu hướng mà các đơn vị sản xuất không thể bỏ qua. Anh Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: “Thương mại điện tử vừa là thử thách vừa là cơ hội cho những người sản xuất. Tôi có thể tiếp cận được một thị trường với quy mô lớn mà không cần qua quá nhiều chi phí cho marketing cũng như quảng bá sản phẩm như trước kia. Tôi cũng nỗ lực để có thể hoà chung vào mạng lưới thương mại điện tử để giúp sản phẩm có thể đi được xa hơn, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn”.
Bên cạnh sự vào cuộc của từng đơn vị, doanh nghiệp, để bắt nhịp kịp thời với xu hướng thương mại điện tử đang không ngừng phát triển, ngành Công thương tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận, kỹ năng thương mại điện tử cho các đơn vị. Không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử nội địa, xu hướng thương mại điện tử gắn với xuất nhập khẩu toàn cầu cũng được đề cập, mở ra cơ hội tiếp cận rộng rãi với các thị trường thế giới cho các đơn vị, doanh nghiệp Việt.
Bà Nguyễn Thị Thúy Lụa, Trưởng Phòng Tư vấn xuất khẩu khu vực phía Bắc, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB – Đại lý Alibaba tại Việt Nam, cho biết: Từ năm 2023, các sàn giao dịch lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đóng góp một phần đáng kể vào doanh thu của thương mại điện tử Việt Nam. Doanh thu từ các nền tảng này chiếm khoảng 233,2 nghìn tỷ đồng, cho thấy thương mại điện tử đang trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế số Việt Nam. Với lợi thế là địa bàn có biên giới với Trung Quốc, nếu các doanh nghiệp Quảng Ninh nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, sẽ giúp doanh nghiệp có những sự phát triển bứt phá hơn nữa trong giai đoạn tới.
“Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia” diễn ra từ ngày 25/11 – 1/12/2024. Trong đó, 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2024 sẽ diễn ra từ 0 giờ thứ Sáu ngày 29/11 đến 12 giờ ngày 1/12. Đối tượng tham gia là tất cả các tổ chức, thương nhân theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một trong những chương trình lớn của toàn quốc hướng tới đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt trên môi trường số.
Để chuẩn bị sự kiện Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2024, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động bố trí tăng lịch livestream bán hàng trên các kênh phân phối lớn như Shopee, Tik Tok trong suốt tuần, cũng như chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, áp dụng các chương trình giảm giá, ưu đãi hấp dẫn, với mục tiêu tiếp nhận và xử lý nhanh nhất các đơn hàng mua sắm online. Chị Bùi Thị Ngọc Duyên, đại diện cửa hàng OCOP Hạ Long, cho biết: Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia năm ngoái chúng tôi đã đạt được doanh số khá ấn tượng. Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó nhiều tuần, tôi kỳ vọng dịp này là yếu tố thúc đẩy phát triển thêm các sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên các sàn thương mại điện tử, với các đơn hàng được bán ra với doanh số cao hơn dịp này năm trước.
Tại Quảng Ninh, trong thời gian này, ngành Công thương cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các hoạt động thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh -Thu Đông năm 2024, tại địa chỉ: http://ocopquangninh.com.vn; tận dụng các nền tảng như Facebook, Zalo, và YouTube để truyền thông rộng rãi, tạo nội dung hấp dẫn và dễ chia sẻ để thu hút người tiêu dùng trong tỉnh và trên toàn quốc. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các đại biểu là các cán bộ công chức của huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp/hợp tác xã/cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tạo điều kiện cho thương nhân thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện hoạt động khuyến mại trên địa bàn tỉnh; quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội bán hàng trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh và các nền tảng số…