Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 23/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải tạo thuận lợi hóa để làm cho vốn của Nhà nước được sử dụng một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, phải tạo được môi trường kiến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quan tâm đến các vấn đề: Đầu tư vốn của nhà nước; tăng cường công tác giám sát tạo môi trường phát triển. Bên cạnh đó, rà soát, giải thích từ ngữ, khái niệm đảm bảo dễ hiểu, thuận lợi khi triển khai thực tế.
Đối với dự án Luật Công nghiệp công nghệ số còn chưa bám sát được với tinh thần đổi mới phát triển. Luật phải gắn với chuyển đổi số, đây là xu hướng mang tính thời đại và phải trở thành một cuộc cách mạng để tạo ra sự bứt phá phát triển cho đất nước. Theo đại biểu nên lấy tên Luật về chuyển đổi số thì sẽ phù hợp và rộng hơn và đầy đủ hơn.
Bên cạnh đó, nội dung luật cần bám sát vào 3 nội dung trọng tâm: Thứ nhất là hạ tầng, thứ hai là thể chế và thứ ba là con người. Trong đó, đặc biệt là nguồn lực, luật cần đưa ra các cơ chế cụ thể, hấp dẫn để thu hút nhân tài trong, ngoài nước. Đại biểu cho biết, Việt Nam đang đặt ra mực tiêu bứt phá trong nhóm các nước dẫn đầu về công nghệ số khu vực Đông Nam Á và đến năm 2030 là là top 50 của thế giới vì vây phải đưa ra được các cơ chế khuyến khích trong nội dung luật, để phát triển được lĩnh vực này.
Tham gia đóng góp bổ sung vào nội dung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Ban soạn thảo phải căn cứ vào Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 để tranh việc chồng chéo giữa các luật gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đối với quy định liên quan đến các tài sản cho thuê của các đơn vị cần giao cho chủ tịch các đơn vị quyết đinh để thực hiện nhanh, đảm bảo quản lý vốn nhà nước. Mặt khác, tăng cường phân cấp để giao quyền cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp chủ động trong vấn đề về quản lý, miễn là không mất vốn và bảo toàn vốn và phát triển vốn của Nhà nước được giao.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng quan điểm là vốn của Nhà nước sau khi giao về cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải được toàn quyền tự chủ trong hoạt động điều hành sản xuất và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước cơ quan quản lý vốn nhà nước về đồng vốn, như vậy mới nâng cao được hiệu quả của của các doanh nghiệp của nhà nước. Do đó mục tiêu yêu cầu quản lý vốn nhà nước trong dự thảo vẫn còn quy định chung chung. Bên cạnh đó, một số quy định trong dự thảo luật cũng chưa bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật.
Góp ý đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhất trí cao với ý kiến của đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, với chủ trương lớn của Đảng cần phải xây dựng luật về chuyển đổi số như vậy sẽ bao quát hơn. Còn như hiện nay, dự thảo luật còn chồng lấn một số luật như: Luật Công nghệ cao, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử… do vậy cần soạn thảo lại luật này.