Xác định giao thông luôn phải đi trước, đón đầu, những năm qua, ngoài đẩy mạnh phát triển đột phá về kinh tế – xã hội, Quảng Ninh cũng tập trung đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Những dự án, công trình giao thông hoàn thành đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương thuộc vùng dự án.
Quảng Ninh không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông ở những vùng đô thị, trọng điểm, mà hạ tầng giao thông tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo cũng đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư. Việc giao thông được kết nối đồng bộ, liên thông tổng thể giữa các vùng miền, thôn, bản với trung tâm đô thị đã góp phần quan trọng kéo giảm khoảng cách vùng miền, thúc đẩy kinh tế vùng khó phát triển.
Tiếp tục thực hiện đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khoá XIV vừa thông qua 2 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 230/NQ-HĐND ngày 5/11/2024 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330, đoạn từ thị trấn Ba Chẽ đến đường tỉnh 342 và Nghị quyết số 229/NQ-HĐND ngày 5/11/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 327 (đoạn từ đường trục chính TP Đông Triều đến ngã tư Nam Mẫu, thành phố Uông Bí).
Trong đó, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330, đoạn từ thị trấn Ba Chẽ đến đường tỉnh 342 có tổng mức đầu tư dự kiến không quá 990 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng chiều dài tuyến khoảng 23,5km, điểm đầu tại Km10+700 – đường tỉnh 330 hiện trạng (khu vực ngã ba cây xăng, thị trấn Ba Chẽ), điểm cuối tại điểm giao cắt với đường tỉnh 342 hiện trạng (thuộc địa phận xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ). Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp để đảm bảo đồng bộ, quy mô đường cấp III, miền núi (TCVN 4054:2005), 2 làn xe, hệ thống thoát nước, an toàn giao thông trên tuyến. Dự kiến bố trí vốn giai đoạn 2024-2025 khoảng 300 tỷ đồng; phần vốn còn lại sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Mục tiêu của dự án nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại theo quy hoạch, kết nối trung tâm huyện Ba Chẽ với vùng cao và kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, TP Hạ Long thông qua tuyến đường tỉnh 342 đang được đầu tư nâng cấp; tạo động lực phát triển vùng cao của huyện Ba Chẽ, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả và bền vững, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng dân tộc, miền núi.
Còn đối với Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 327 (đoạn từ đường trục chính TP Đông Triều đến ngã tư Nam Mẫu, thành phố Uông Bí) có tổng chiều dài tuyến khoảng 25,2km, điểm đầu giao với đường trục chính TP Đông Triều tại Km7+960 (tại thôn Tây Sơn, phường Bình Khê, TP Đông Triều), điểm cuối giao với đường vào Yên Tử tại Km8+100 (tại ngã tư Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí). Dự án được đầu tư cải tạo, mở rộng và nâng cấp để đảm bảo đồng bộ, quy mô đường cấp III, miền núi (TCVN 4054:2005), 2 làn xe; hệ thống thoát nước, an toàn giao thông trên tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến không quá 230 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Bố trí vốn giai đoạn 2024-2025 dự kiến khoảng 150 tỷ đồng; phần vốn còn lại sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm từng bước đầu tư đồng bộ tuyến đường theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch các khu du lịch văn hóa, lịch sử Hồ Thiên, Ngọa Vân, Yên Tử, qua đó thu hút du khách đến với các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tạo động lực để phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Những năm qua, hiện thực hóa phương châm “Mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm và không để ai bỏ lại phía sau”, tỉnh đã và đang đầu tư hạ tầng từ thành thị đến nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Các công trình giao thông đã và đang được Quảng Ninh quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông, tổng thể, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt, thuận lợi, từ đó mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, tạo thành nguồn lực chung, đòn bẩy để các ngành kinh tế của tỉnh phát triển, đóng góp vào tăng trưởng của Quảng Ninh.