Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ủy ban chủ trì thẩm tra khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.
Sáng 19/11, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Điểm lại một số nội dung chính của phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình đối với 9 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau; xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 2 dự thảo nghị quyết theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao để bảo đảm các điều kiện triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Đồng thời, thống nhất trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và xem xét các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phiên họp diễn ra ngay sau khi kết thúc đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, thời gian rất gấp, nhưng các Ủy ban chủ trì nội dung đã khẩn trương, tích cực trong việc tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận vừa qua, làm việc với hiệu suất cao để kịp chuẩn bị tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, các dự án, dự thảo này đã cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp. Đối với 3 dự án: Luật Dữ liệu, Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi), trên cơ sở xem xét hồ sơ tài liệu và với quyết tâm của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hoàn thiện các dự thảo để trình thông qua tại Kỳ họp này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra bám sát kết luận, khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.
Đồng thời, cần lưu ý tiếp tục quán triệt và tuân thủ chỉ đạo về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong quá trình hoàn thiện các dự thảo, bảo đảm các luật thông qua đáp ứng tốt, hiệu quả các yêu cầu của tình hình mới.
Đối với các dự thảo luật, nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản, các Ủy ban của Quốc hội chủ trì nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, tập trung cao độ để tiếp thu, chỉnh sửa toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật của các dự thảo luật, nghị quyết bảo đảm chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đối với các nội dung khác thuộc thẩm quyền được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này, đề nghị các cơ quan tích cực rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về nguyên tắc trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành, làm căn cứ để triển khai các hoạt động quan trọng tiếp theo trong việc sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cũng như triển khai hiệu quả Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tư pháp hoàn chỉnh 2 dự thảo nghị quyết: Quy định về bậc, điều kiện nâng bậc, số lượng, cơ cấu tỷ lệ bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; Sửa đổi, bổ sung các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương, phụ cấp chức vụ, chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp tháng 12.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngày mai, Quốc hội tiếp tục bước vào Đợt 2 của Kỳ họp thứ 8. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là các cơ quan liên quan tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung để Kỳ họp thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung quan trọng đề ra, nhất là nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần chủ động ngay từ bây giờ chuẩn bị nội dung phiên họp thường kỳ tháng 12 (dự kiến khai mạc ngày 10/12, sau khi kết thúc Kỳ họp 10 ngày), trong đó sẽ xem xét, thông qua Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025.