Nằm trong khuôn khổ Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 được tổ chức từ ngày 4 đến 10/11 vừa qua tại TP Hạ Long, chương trình giao lưu văn nghệ “Tiếng hát ba miền” giữa các đoàn đã cho thấy, các nhà giáo không chỉ miệt mài vì sự nghiệp “trồng người” mà còn rất tài năng khi đứng trên sân khấu…
Các thầy giáo, cô giáo đến với chương trình giao lưu “Tiếng hát ba miền” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Quảng Ninh, phần lớn là những nghệ sĩ không chuyên nhưng đầy nhiệt huyết và tài năng. Cùng với hoạt động dạy học, các nhà giáo còn mang những hành trang là lời ca, tiếng hát về với Quảng Ninh để gắn kết, chia sẻ cùng nhau.
Tại buổi giao lưu, có 36 nhà giáo đến từ 9 tỉnh, thành đại diện cho nhà giáo GDNN 3 miền Bắc – Trung – Nam đăng ký biểu diễn.
Nhìn vào chương trình kịch mục cũng thấy rõ tính chất của một chương trình giao lưu ba miền. Ở đó có những bài hát về Quảng Ninh, như: “Quảng Ninh ngày mới”, “Thợ lò xuống mỏ” (do tập thể giáo viên Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam biểu diễn), “Hạ Long biển nhớ” (do Phạm Kim Thoa, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, một người con của quê hương Đầm Hà và tốp hát bè, tốp múa phụ hoạ biểu diễn).
Bên cạnh đó, còn có những bài hát về Tây Bắc, như: “Hò kéo pháo”, “Đường lên phía trước”, “Chiến thắng Điện Biên” của đoàn nhà giáo đến từ Trường Cao đẳng nghề Hải Dương, hay như “Tiếng gọi sông Đà” của Trường Cao đẳng nghề Tây Bắc. Trong khi đó, đoàn nhà giáo đến từ Bình Phước lại hát về miền Trung với ca khúc “Lỡ hẹn với dòng Lam” (đơn ca Nguyễn Tiến Anh, giảng viên Trường Cao đẳng Bình Phước). Đoàn Nghệ An mang đến ca khúc “Quê hương em là núi Hồng, sông Lam” (đơn ca Nguyễn Thị Cao Hiệp, giảng viên Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Nghệ An). Đoàn nhà giáo đến từ Tuyên Quang lại hát về biển đảo với ca khúc “Nơi đảo xa” (đơn ca Trần Trung Kiên, Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Công nghệ Tuyên Quang).
Có những giáo viên hát về chính sự nghiệp trồng người của mình, như: Song ca Vũ Phạm Lan Anh và Trần Thị Lan, đến từ Trường Cao đẳng Miền Đông thể hiện ca khúc “Yêu sao nghề giáo viên”. Thầy Đỗ Duy Khanh và cô Nguyễn Hải Yến đến từ Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, đại diện cho Đoàn Quảng Ninh song ca bài hát “Hãy vươn cao hơn”. Thầy giáo Đặng Võ Minh Nhân, đến từ Trường Cao đẳng Vĩnh Long thể hiện bài hát “Niềm vui của em”.
Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ một hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc lại có một hoạt động ngoài lề vui tươi, ấm áp và giàu tình cảm như vậy. Và trên sân khấu ca nhạc, xuất hiện thêm những người bạn mới, những cặp song ca thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 3 miền đúng như tên gọi của chương trình. Trong đó, thầy giáo Doãn Thanh Hải, đến từ Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc và cô giáo Phạm Thị Kim Thoa đến từ Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh cùng ghép đôi thể hiện ca khúc “Tình ca mùa xuân”. Đặc biệt, ngay khi Đoàn Quảng Ninh khép lại chương trình giao lưu với ca khúc “Hà Nội – Huế – Sài Gòn” của cô giáo Hà Thu, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh nhưng các nhà giáo, đại biểu và khán giả dường như vẫn chưa muốn kết thúc khi tiếp tục cùng nhau lên sân khấu đồng ca bài hát “Nối vòng tay lớn”.
Chương trình giao lưu văn nghệ “Tiếng hát 3 miền” đã mang đến những giai điệu, những tiết mục nghệ thuật sôi động và đa dạng sắc màu. Các nhà giáo với tinh thần nhiệt huyết đã đem lại cho khán giả những giây phút thư giãn thoải mái và ngập tràn cảm xúc, một không khí vui vẻ, một tinh thần đoàn kết giữa các tỉnh, thành trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng, sự thành công của chương trình giao lưu cho thấy, mỗi nhà giáo không chỉ là một tấm gương đạo đức nghiêm khắc trên giảng đường, âm thầm cống hiến, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học trò mà còn là những người có tâm hồn nghệ sĩ. Những gì tốt đẹp trong tâm hồn, trong trái tim của nhà giáo sẽ lan toả cộng hưởng hơn để chúng ta đi đến tương lai của GDNN nói riêng, giáo dục nói chung. Ở đó, mỗi nhà giáo có vai trò dẫn đường, định hướng cho các thế hệ tương lai, khởi từ cái tâm của mình để truyền nhiệt huyết, truyền năng lượng cho thế hệ trẻ. Tôi rất vui mừng, xúc động và hạnh phúc khi được lắng nghe các thầy cô giáo hát.
Chương trình giao lưu văn nghệ “Tiếng hát 3 miền” chính là minh chứng cho tinh thần nhiệt huyết, sự sáng tạo và tình yêu nghề của các thầy cô. Qua những tiết mục văn nghệ phong phú, đa dạng, chúng ta không chỉ thấy được tài năng nghệ thuật mà còn cảm nhận được tinh thần đoàn kết, tình yêu thương và trách nhiệm của các nhà giáo. “‘Tôi tin rằng, thông qua các hoạt động như thế này, tình đoàn kết giữa các thầy cô, các cơ sở giáo dục sẽ ngày càng bền chặt hơn. Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một môi trường GDNN tiên tiến, hiện đại, xứng đáng với truyền thống văn hóa và tiềm năng phát triển của đất nước” – bà Nguyễn Thị Việt Hương chia sẻ thêm.