Năm 2024 có lẽ là năm khó khăn nhất của Quảng Ninh từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, khi tỉnh vừa trải qua cơn bão lịch sử với sức tàn phá khủng khiếp. Tuy nhiên, với tinh thần tự lực vượt khó, Quảng Ninh đã kịp thời điều chỉnh kịch bản, triển khai đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Chung sức, đồng lòng vượt khó
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiêu biểu, đi đầu trong công cuộc phát triển, Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể ở năm bản lề hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững 2 con số…
Khởi động cho quãng thời gian về đích của cả nhiệm kỳ, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền địa phương, sở, ngành đã kịp thời xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực để có giải pháp đảm bảo tăng trưởng. Song song với đó, tập trung tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; giữ ổn định, phát triển hợp lý, bền vững ngành than, điện; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; giải quyết 3 vấn đề cốt lõi thuộc lợi ích của nhân dân là: Dân sinh, dân trí, dân chủ…
Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2024, các hoạt động kinh tế ở các khu vực đều giữ tốc độ phát triển ổn định theo đúng mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, đầu tháng 9/2024, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; ước tính thiệt hại trên 28.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, kéo theo GRDP của cả 9 tháng chỉ tăng 8,02%, thấp hơn 2,07 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, thấp hơn 1,61 điểm % so với kịch bản 9 tháng đầu năm đề ra (kịch bản tăng 9,62%).
Trong bối cảnh đầy khó khăn, nhưng với bản lĩnh kiên cường, quyết đoán, sẵn sàng đương đầu với thử thách, ngay sau bão, cả hệ thống chính trị tỉnh đã đồng lòng cùng vào cuộc tập trung khắc phục hậu quả. Chiến dịch “7 ngày làm sạch đường phố”, “3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long”… lần lượt được phát động trong hoàn cảnh đó, đã thu hút hàng trăm nghìn người dân trong tỉnh tham gia với tinh thần, khí thế được đẩy lên cao nhất.
Song song với đó, toàn tỉnh dồn lực, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ để tái khởi động lại sản xuất, kinh doanh bằng hàng loạt các giải pháp cụ thể. Chỉ sau 5 ngày khi bão tan, toàn bộ ngành than đã có điện lưới để phục hồi 100% diện khai thác; 80% các nhà máy tại các KCN đã có điện để phục vụ sản xuất cho những lô sản phẩm xuất khẩu đợt cuối năm. Cũng trong đà phục hồi nhanh chóng này, các động lực tăng trưởng của tỉnh như lĩnh vực du lịch, hoạt động biên mậu, kinh tế biển cùng các chuỗi cung ứng đã sớm bắt nhịp.
Quan điểm của tỉnh, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm để khôi phục sản xuất, kinh doanh – đó là cách thức nhanh nhất để lấy lại những gì đã mất sau cơn bão số 3. Quảng Ninh đã trở lại trạng thái bình thường mới bằng tinh thần đồng tâm, tự cường vượt khó, kiên định với mục tiêu đã đặt ra và đang nỗ lực thực hiện ở những tháng còn lại của năm với mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024 và của cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Đến thời điểm này, quỹ thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, áp lực để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 10% của Quảng Ninh là rất lớn. Trước tình thế đó, UBND tỉnh đã rà soát ở cả 3 khu vực kinh tế, nhận định các khả năng đáp ứng trên cơ sở bám sát mục tiêu, kế hoạch của cả năm để điều chỉnh kịch bản tăng trưởng. Trọng tâm là tập trung cho các mũi nhọn kinh tế tiêu biểu, cụ thể hóa các chỉ đạo để vận hành hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế, tăng thu, giải ngân đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau bão… mục tiêu phấn đấu quý IV/2024, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 15,38%, lũy kế cả năm tăng 10,03%.
Để khẳng định quyết tâm này, tại cuộc họp giao ban Thường kỳ UBND tỉnh đầu tháng 11 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển mạnh mẽ 3 khu vực kinh tế (dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, nông – lâm – thủy sản); thực hiện rà soát, nhận diện những khó khăn, thách thức để kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, xác định rõ khu vực giữ vai trò chủ đạo trong giai đoạn những tháng cuối năm để cập nhật kịch bản tăng trưởng, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất.
Mục tiêu trong quý IV/2024, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 16,46%; khu vực dịch vụ tăng 15,82%; thuế sản phẩm tăng 16,21%; thu ngân sách nhà nước đạt 15.121 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 12.006 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 3.115 tỷ đồng. Tổng khách du lịch ước đạt 3,36 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 9.605 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 32.907 tỷ đồng…
Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng kịch bản cụ thể cho từng ngành để triển khai thực hiện. Cụ thể, để đảm bảo mục tiêu tăng thêm khu vực công nghiệp – xây dựng, Quảng Ninh đang đẩy mạnh hỗ trợ ngành Than đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư thông qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp phép khai thác các mỏ: Đèo Nai – Cọc Sáu, Tân Yên, khai thác xuống sâu mỏ Hà Ráng, Tây Bắc Khe Chàm, Đông Quảng La… Chỉ đạo ngành điện đẩy nhanh tiến độ cấp điện cho các KCN trên địa bàn nhằm tăng năng suất sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp FDI sớm hoàn thành đầu tư dự án, bổ sung các sản phẩm mới theo đúng tiến độ, trong đó sẽ đưa vào vận hành nhà Nhà máy ô tô Thành Công.
Song song với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có các giải pháp để doanh nghiệp và người dân tái thiết, phục hồi và xây dựng các công trình sau bão; kiên quyết thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 đối với các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để đảm bảo cân đối nguồn lực; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp phục hồi sản xuất sau bão; xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại và phục hồi, trồng lại rừng. Riêng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động kích cầu thu hút khách du lịch, đưa vào khai thác 39 sản phẩm du lịch mới theo kế hoạch, trong đó tập trung vào các sản phẩm đẳng cấp cao…
Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh cao. Đáng chú ý, quan điểm phát triển đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh cũng được gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, con người thông qua việc thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội.
Tinh thần tự lực, kiên cường và đồng tâm của Quảng Ninh sẽ luôn sáng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đây cũng là động lực, nền tảng để tỉnh hoàn thành mục tiêu tròn một thập kỷ tăng trưởng 2 con số.