Khai thác lợi thế về diện tích đất, nhiều hộ dân đã mạnh dạn triển khai các mô hình kinh tế trang trại, đem lại thu nhập kinh tế cao cho gia đình, đồng thời, góp phần tạo ra các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.
Với diện tích mặt nước lên đến 18ha tại thôn 3, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, ông Phạm Văn Đỗ đã phát triển mô hình nuôi tôm thương phẩm. Những năm gần đây, khi xu hướng nuôi tôm 2 giai đoạn trong nhà lưới được phổ biến, ông cũng đầu tư xây dựng 2.000m2 nhà màng để nâng cao năng suất. Mỗi năm 3 vụ, ông Đỗ thu hoạch khoảng 60 tấn tôm, thu nhập mang về từ 2-3 tỷ đồng. Hoạt động hiệu quả của mô hình nuôi tôm trang trại gia đình ông Đỗ cũng đang tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/tháng. Ông Đỗ cho biết: Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục chuyển dần diện tích ao nuôi ngoài trời sang nuôi quy mô nhà màng, nâng cao sản lượng để tăng thu nhập.
Cũng đi lên từ kinh tế trang trại, gia đình anh Bế Văn Lỵ, thôn Hồng Phong, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên hiện đang có hơn 1ha đất đồi phục vụ cho việc chăn nuôi gà Tiên Yên. Ngoài kết hợp chăn thả tự nhiên, anh cũng chú trọng khâu chăn nuôi theo phương thức bổ sung thảo dược trong thức ăn. Nhờ đó, những lứa gà của gia đình anh khi xuất bán luôn được thương lái ưu tiên lựa chọn và có đầu ra bền vững. Mỗi năm, gia đình anh đưa ra thị trường khoảng 10.000 con gà thương phẩm, doanh thu 350-500 triệu đồng. Anh Lỵ cho biết: Gia đình tôi cũng đang có phương án sẽ nâng quy mô chăn nuôi thêm khoảng 3.000-4.000 con gà mỗi năm, phấn đấu gia tăng thu nhập để đầu tư xây dựng nhà cửa.
Hiệu quả từ kinh tế trang trại cũng đang mang lại lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Nguyễn Văn Bích, khu Xuân Quang, phường Yên Thọ, TP Đông Triều. Năm 2016, mạnh dạn bắt tay vào mô hình trang trại tổng hợp với diện tích 5ha, đến nay, gia đình ông Bích đang có 7 chuồng nuôi lợn tập trung với 6.000 con lợn mỗi năm cùng 3 ao nuôi cá chạch và nhiều loại cây ăn quả, rau mầu. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, trang trại của gia đình ông cho lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Ông Bích chia sẻ: Để mô hình trang trại phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc lựa chọn vật nuôi phù hợp thì nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo thì quan trọng nhất phải làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó thì chủ trang trại cũng cần cập nhật kiến thức khoa học, học tập kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng và những mô hình thực tế khác để áp dụng vào quá trình sản xuất.
Thời gian qua, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển rất sôi động với nhiều lĩnh vực như: Dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ tổng hợp. Phần lớn các trang trại đều tận dụng, khai thác hiệu quả phần đất nông, lâm nghiệp và thủy sản được chính quyền giao, cấp hằng năm, tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là lao động thời vụ.
Để khuyến khích hình thành, phát triển thêm nhiều trang trại, các sở, ngành, địa phương cũng cần tích cực vào cuộc rà soát những diện tích đất nông, lâm nghiệp chưa sử dụng có thể canh tác; nắm bắt tình hình tư tưởng trong cộng đồng dân cư về nhu cầu được sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất, nhất là đối với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại theo hướng tập trung, bền vững.
Cùng với đó là quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách như: Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; vay vốn tín dụng; hỗ trợ mua con giống, cây giống; ứng dụng KHCN… để tạo thuận lợi và thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển kinh tế trang trại trong nhân dân.