Bên cạnh nỗ lực phát huy lợi thế hạ tầng giao thông, đổi mới sản phẩm, tăng sức hấp dẫn điểm đến, việc tăng cường liên kết, hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp, địa phương cũng đã và đang mang nhiều đoàn khách lớn đến với Quảng Ninh.
Tháng 11 vừa qua, Trung tâm Chứng nhận phù hợp – QUACERT (Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia – STAMEQ, Bộ Khoa học và Công nghệ) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức chương trình khảo sát hoạt động “Du lịch thân thiện với người Hồi giáo”. Đoàn đã khảo sát 9 khách sạn hạng sang trên địa bàn, tập trung vào các khu vực bếp ăn, nhà hàng; buồng ngủ; các tiện ích khác của cơ sở lưu trú: Bể bơi, phòng gym, công viên nước…
Đây cũng là hoạt động để cụ thể hóa biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu chuẩn du lịch thân thiện với người Hồi giáo giữa Hiệp hội du lịch Quảng Ninh và Trung tâm Chứng nhận phù hợp – QUACERT (Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc gia – STAMEQ, Bộ Khoa học và Công nghệ). Qua khảo sát, các khách sạn đều đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, chỗ ăn nghỉ cho du khách người Hồi giáo. Trung tâm Chứng nhận phù hợp – QUACERT sẽ phối hợp với Hiệp hội cùng các doanh nghiệp tiến hành đào tạo, hỗ trợ phát triển các điều kiện, tiêu chuẩn Việt Nam và nước ngoài về du lịch Halal, du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Thời gian tới, các đơn vị doanh nghiệp cũng sẽ chủ động vào cuộc đón đầu dòng khách này thông qua việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở lưu trú, thực phẩm, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch am hiểu về văn hoá tín ngưỡng cũng như tôn giáo của dòng khách đặc biệt này, tạo môi trường du lịch thân thiện để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến.
Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tích cực phối hợp, liên kết với các đơn vị doanh nghiệp kết nối sản phẩm du lịch Quảng Ninh. Điển hình như phối hợp cùng doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng hợp tác với các đơn vị của tỉnh Thái Nguyên; tham gia kết nối du lịch tại Hội nghị phát triển du lịch tại Nam Ninh, Trung Quốc; thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ứng dụng chuyển đổi số…
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết: Hiệp hội nói riêng và ngành Du lịch nói chung luôn chủ động trong việc liên kết du lịch với các bộ, ngành, các doanh nghiệp, cũng như với các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện từ rất sớm. Nhiều đoàn khảo sát, kết nối đã đến các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, giá thành. Chúng tôi cũng chủ động giới thiệu các sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh có chương trình kích cầu, giảm giá phù hợp cho các đoàn lớn, kết hợp nhiều gói dịch vụ hấp dẫn, đẳng cấp để thu hút du khách.
Xác định liên kết du lịch là một trong những cách làm hiệu quả, không chỉ thu hút du khách mà còn phát triển du lịch bền vững, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động tổ chức các chương trình phối hợp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương.
Mới đây Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Bình Liêu phối hợp với UBND huyện Bình Liêu tổ chức đoàn famtrip đầu tiên đến khảo sát cung đường đi bộ trekking xuyên rừng và tham quan mô hình lưu trú homestay của người Dao Thanh Phán tại xã Đồng Văn mà đơn vị hỗ trợ phát triển. Tham gia chuyến khảo sát gồm nhiều doanh nghiệp có tiếng, như: Hanspan Travel Indochina, New Asia Tour, Exo Travel, Travel Authentic Asia… Ông Hà Đông Minh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch cộng đồng Bình Liêu cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi chuyên về phát triển sản phẩm ở Bình Liêu còn các doanh nghiệp lữ hành phát triển dòng khách quốc tế có rất nhiều tour du lịch ở tất cả các nước, họ sẽ kết hợp tour du lịch Bình Liêu vào gói tour lớn của họ. Chúng tôi đã giới thiệu các điểm đến hấp dẫn, như: Chợ Bình Liêu, bản Sông Moóc, thác Khe Tiền (xã Đồng Văn)… Tại các điểm đến này, đoàn được trải nghiệm không khí chợ phiên độc đáo, sôi động vào Chủ nhật hàng tuần; trải nghiệm hành trình khám phá mùa vàng trên những ruộng bậc thang, rừng hồi quế và các con đường mòn biên giới; khám phá nhà đất đặc trưng của người Dao ở Đồng Văn; khám phá rừng nguyên sinh, thác Khe Tiền còn nguyên sơ.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, liên kết được đánh giá là một trong những định hướng quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch. Liên kết hiệu quả, bền vững giúp du lịch các địa phương không những “đi xa” mà còn “đi nhanh”, “đi cùng nhau”. Bên cạnh đó, liên kết giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội liên địa phương, liên vùng.
Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới đặt mục tiêu đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón khoảng 18-20 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 11-12%. Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch, ngành du lịch Quảng Ninh tiếp tục chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng để giảm chi phí, hạ giá thành; xây dựng các chương trình quảng bá chào bán sản phẩm thu hút khách mùa thu đông. Quảng Ninh sẽ mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố, là đầu mối kết nối các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, ngày hội du lịch.