Thời điểm này, các doanh nghiệp đang rục rịch chuẩn bị nguồn hàng cho cuối năm và Tết Ất Tỵ. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng trưởng.
Tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng, song dự báo sẽ không cao
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa nội địa thời gian qua nhìn chung không có biến động bất thường. Hiện nay, riêng mặt hàng rau xanh do đang trong giai đoạn chuyển vụ chuẩn bị cho rau vụ Đông và do thiệt hại sau mưa bão nên nguồn cung giảm, giá rau xanh tại các tỉnh phía Bắc đã ở mức cao trong giai đoạn đầu tháng, từ cuối tháng, nguồn cung được cải thiện nên giá đã giảm dần. Các mặt hàng thiết yếu khác, nguồn cung ổn định nên giá không có biến động lớn, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 10/2024 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,0% và nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 21,4%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%).
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2024 ước đạt 4.048,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các nhà sản xuất và bán lẻ, mặc dù theo chu kỳ, sức mua thị trường trong nước cuối năm sẽ tăng nhưng năm nay dự báo sẽ không quá cao như kỳ vọng. Nguyên nhân do hiện nay, nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động từ những yếu tố không mấy khả quan, trong đó có cơn bão số 3 (bão Yagi) xảy ra vào giữa tháng 9/2024. Chính những biến động này đã và đang khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong vấn đề chi tiêu, thậm chí họ còn gia tăng độ nhạy cảm về giá. Cụ thể, sau bão số 3, sức mua tại miền Bắc, miền Trung giảm, sức mua ở TP.Hồ Chí Minh cũng giảm bởi nhiều người tiêu dùng có xu hướng tích luỹ đề phòng rủi ro, cắt giảm các khoản tiêu dùng cho bản thân.
Doanh nghiệp tăng kích cầu tiêu dùng cuối năm
Bà Nguyễn Thị Hoài Thương – Giám đốc siêu thị WinMart Thăng Long cho biết, hệ thống WinMart/WinMart+ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm, khi thị trường thường có sự gia tăng về sức mua, dự kiến khoảng trên 20%.
Theo đó, hệ thống siêu thị này đã lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo bình ổn giá, đặc biệt áp dụng với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm. Đồng thời, tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội bộ Supra giúp tối ưu hoá quy trình phân phối, vận chuyển nhanh chóng và kịp thời.
Song song với việc chuẩn bị hàng hóa, hệ thống WinMart/WinMart+ cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi cuối năm hấp dẫn, nhằm kích cầu mua sắm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Cụ thể, trong tháng 11, nhân dịp sinh nhật WinMart 10 tuổi, hệ thống này triển khai chương trình khuyến mại “10 năm gắn kết – Trọn vẹn tin yêu” trên toàn hệ thống, với mức giảm lên tới 50% cùng các hình thức mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, đặc biệt là ưu đãi “Chỉ 10.000đ” cho một số sản phẩm chọn lọc.
“Riêng đối với mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà và rau củ cho cuối năm và Tết Nguyên đán, để chuẩn bị cho các dịp cao điểm cuối năm và lễ Tết, hệ thống WinMart/WinMart+ đã tích cực đàm phán, làm việc với các nhà cung cấp từ 2-3 tháng trước đó để thu mua sản lượng lớn và đảm bảo giá thành đầu vào” – bà Nguyễn Thị Hoài Thương chia sẻ. Đồng thời cho biết, cùng với sự phát triển của hệ thống về quy mô điểm bán chuỗi siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+ và WIN, đối với 2 nhóm hàng thịt heo và thịt gà, hệ thống đã triển khai tăng sản lượng khoảng 20-30%; mặt hàng rau củ khoảng 20% so với các tháng thường trong năm.
Ngoài ra, hệ thống WinMart/WinMart+ cũng phân phối mặt hàng thịt gà và thịt heo MEATDeli với công nghệ thịt mát châu Âu. Do đó, luôn chủ động đảm bảo nguồn cung và giá cả cho mặt hàng này trong dịp Tết.
Để tri ân khách hàng hội viên, chương trình hội viên WiN tiếp tục ưu đãi 20% cho các sản phẩm rau sạch WinEco và thịt mát MEATDeli từ nay cho tới cuối năm. Đặc biệt, hội viên còn được nhân đôi quyền lợi với chương trình Tuần lễ Thương hiệu triển khai trong tháng 11 và cơ hội tham gia chương trình quay số trúng thưởng khi mua hóa đơn từ 499.000đ tại siêu thị WinMart hoặc từ 299.000đ tại WinMart+/WiN, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 300 triệu đồng (diễn ra từ nay đến 04/12/2024).
Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cuối năm và Tết Ất Tỵ từ giữa năm 2024, tập trung vào nhóm hàng, mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp cuối năm. Để có nguồn hàng số lượng lớn, giá tốt, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Saigon Co.op cũng dự báo về cung – cầu thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng phù hợp. Ngoài ra, với nhiều nhà cung cấp là các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa… sẽ được Saigon Co.op hỗ trợ nguồn tài chính thông qua kết nối với ngân hàng mà ở đó, Saigon Co.op là đối tác trung gian đảm bảo đầu ra cho hàng hóa sau sản xuất. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để vừa kích cầu tiêu dùng vừa đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thị trường.
Trước đó, trong mùa tết năm 2024, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu được Saigon Co.op chuẩn bị lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20%-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.
Đối với các địa phương, bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn thị trường với 30 doanh nghiệp tham gia, đảm bảo bình ổn đủ lượng hàng tiêu dùng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.