Gần đây người dân thuộc tiểu khu 34, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang liên tục đề nghị cho họ trồng cây keo lai thay thế cây tràm đang rớt giá. Vì sao người dân ở xứ miệt thứ thích trồng cây keo lai?
Ngày 11/11, ông Huỳnh Văn Duẩn, người dân ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh – cho biết khu vực rừng tràm tiểu khu 34 có hơn 1.200ha, được giao cho 145 hộ và 4 doanh nghiệp từ năm 2009 đến nay.
Lúc đó mỗi người được nhận giao khoán rừng gần 5ha/hộ.
Tràm rớt giá, dân miệt thứ sống bấp bênh
Sổ giao khoán rừng cho phép bà con khai thác 30% trong tổng số diện tích nhận khoán và phải trồng tràm lại.
Thời gian đầu thu hoạch khoảng 7 triệu đồng/công/hộ, nhưng hiện nay cuộc sống bà con khó khăn.
“Cây tràm rớt giá nên bà con chuyển sang trồng chuối hoặc đi buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Ở đây cũng có nhiều hộ dân đã bỏ đi chỗ khác hoặc đi các tỉnh ngoài lao động.
Bà con muốn lên liếp trồng keo lai. Vì cây này khoảng 3-4 năm sẽ cho thu hoạch có lợi nhuận 200-300 triệu đồng/ha, nhưng chính quyền vẫn chưa đồng ý. Một số khác rất nản và bỏ đi xứ khác tìm việc khác rồi”, ông Duẩn kể.
Còn ông Trần Hồng Đảo, ngụ ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh – cho hay chu kỳ 10 năm trồng cây tràm thì nông dân thu hoạch khoảng 30 triệu đồng/ha, nếu so với thu nhập từ trồng cây keo lai trên 200 triệu đồng/ha trong 4 năm thì quá thấp.
Cây này được bán vào các nhà máy băm gỗ rồi xuất khẩu nên có giá cao. Cà Mau đã cho nông dân chuyển đổi trồng nên nông dân của họ giàu lên từ cây keo lai.
“Bây giờ người dân miệt thứ cũng trồng cây keo lai trên bờ bao, có người bán 2-3 đợt rồi. Vì bà con xin trồng cây keo lai không được chấp thuận nên nhiều người tự phát trồng.
Tôi đề nghị cho bà con chuyển đổi trồng cây keo lai thay cây tràm từ 30-50% diện tích đang nhận giao khoán để bà con mưu sinh, bám rừng”, ông Đảo đề nghị.
Lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Việc người dân kiến nghị xin thay đổi cây trồng chỉ nói tại các cuộc họp dân.
Ban quản lý đã giải thích đây là khu vực quy hoạch rừng tràm không tự thay đổi loài cây khác được. Đề nghị đó của bà con thì sắp tới sẽ đề xuất tỉnh xem sao, vì không phải thẩm quyền giải quyết của ban nữa”.
Dân đất mũi “hốt bạc” từ cây keo lai
Tại Cà Mau, cây keo lai trở thành nguồn kinh tế chính, cây chủ lực của gia đình anh Trần Văn Sơn, ngụ ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Anh Sơn có 74ha thì để 50ha trồng keo lai và 24ha trồng tràm.
Trước đây anh Sơn thường mua giống tại Cần Thơ về trồng. Sau khi địa phương có công ty bán giống thì anh mua giống tại chỗ, giống chủ lực vẫn là AH7. Sau 5 năm trồng, gia đình thu lại khoảng 200 triệu đồng/ha cây keo lai.
“Nguồn giống chất lượng cùng kỹ thuật tích lũy nhiều năm, hầu như cây giống tôi trồng đạt 100%. Thời gian thu hoạch chuẩn là 5 năm, riêng những ai muốn để cây to hơn thì 6-7 năm mới tiến hành khai thác, giờ trồng keo chủ rừng có tiền tỉ như chơi”, anh Sơn kể.
Keo lai là loài cây thuộc họ đậu, ưa sáng, mọc nhanh, tán lá rậm xanh, dày đặc, chống xói mòn mặt đất, hệ rễ phát triển mạnh, có nhiều nốt sần cố định đạm. Đây là ưu điểm lớn của keo lai trong cải tạo và bảo vệ độ phì nhiêu cho đất.
Ông Lê Văn Hải – chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau – cho biết Cà Mau có diện tích trồng keo lai trên 13.000ha, tập trung ở 2 huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Do giá cây tràm bản địa xuống thấp nên một số vùng, sau khi khai thác người dân chuyển qua trồng keo lai. Chi phí lên liếp trồng keo lai tốn kém hơn trồng tràm do liếp keo phải cao hơn liếp tràm để chống ngập úng vào mùa mưa. Chi phí lên liếp khoảng 60 triệu/ha, sau chu kỳ 5 năm đem về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. “Keo lai thương phẩm có giá giao động khoảng 1,2 triệu đồng/tấn. Tỉ lệ bao phủ rừng ở U Minh hiện đang ở mức cao hơn 70% so với quy định của Chính phủ do nhiều người dân tận dụng diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả trồng rừng keo lai”, ông Hải nói.
|