Thời gian qua các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực chung tay, tạo dựng môi trường xanh, phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo ý kiến kiến nghị của nhiều cử tri, phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có nhiều chuyển biến để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Ngành du lịch Quảng Ninh đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có về tự nhiên, văn hoá và con người để tạo ra sản phẩm du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc, cũng như quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Nhân viên Homestay Khe Mai Farm (Vân Đồn) chuẩn bị đón khách du lịch.
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, DLCĐ, sinh thái ở các địa phương như: DLCĐ làng quê Yên Đức (TX Đông Triều); mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn); mô hình DLCĐ xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), mô hình HTX chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long, DLCĐ trải nghiệm Kỳ Thượng Am Váp Farm (TP Hạ Long); các mô hình du lịch homestay trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ như: Homestay A Dào, homestay Hoàng Sằn (Bình Liêu)… Với những mô hình DLCĐ, sinh thái đi vào hoạt động thời gian qua đã góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.
Là huyện miền núi, biên giới, Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu đặc trưng ôn hoà, mát mẻ, đặc biệt là những rừng hồi, quế, sở xanh ngút tầm mắt, những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín thu hút du khách đến trải nghiệm… Nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú ngày càng tăng của du khách, hiện nay huyện Bình Liêu đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có khách sạn và hàng chục homestay với trên 300 buồng, phòng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho hơn 1.000 du khách.
Du khách nước ngoài cùng tham gia dựng nhà đất nện truyền thống ở Đồng Văn để hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa bản địa của bà con dân tộc Bình Liêu.
Ảnh: Tạ Quân
Tại huyện Vân Đồn, thấy được tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm sẽ mang lại giá trị đặc biệt, hình thành nên các tour du lịch từ đất liền ra các xã đảo của huyện, thực hiện chương trình “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại khu vực Vịnh Hạ Long” giai đoạn 2 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan đã xây dựng 2 tour du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Quan Lạn. Đó là tour “Khám phá lịch sử, văn hóa hào hùng đảo Quan Lạn” với các điểm đến, như: Đình Quan Lạn, chùa Linh Quang, nghè thờ Trần Khánh Dư và tour trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân trên đảo” với các hoạt động đánh bắt cá cùng ngư dân, cùng thưởng thức các đặc sản của địa phương được du khách đánh giá cao.
Phát triển DLCĐ là một nhiệm vụ lâu dài với mục tiêu tạo dựng sinh kế cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng thực tế DLCĐ trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng. Đây cũng là nội dung mà nhiều cử tri quan tâm. Đơn cử như, thời điểm này tại Quan Lạn sau khi JICA đi thì số lượng du khách trải nghiệm sản phẩm vẫn còn rất khiêm tốn. Còn Bình Liêu thì rất đông khách muốn đến trải nghiệm DLCĐ nhưng vấn đề là dịch vụ còn nhỏ lẻ. Hay như Kỳ Thượng cũng đưa những ngôi nhà người Dao vào khai thác nhưng thực sự chưa phải là điểm nhấn…
Theo đánh giá của Sở Du lịch quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do sức ép của phát triển kinh tế nên việc giữ gìn các bản sắc truyền thống về kiến trúc, trang phục, văn hóa, tập quán sinh hoạt của bà con đã có nhiều thay đổi, không có các vùng, các làng, bản với quy mô lớn, bản sắc riêng hấp dẫn DLCĐ. Bên cạnh đó, hiện còn thiếu cơ chế và quy hoạch phát triển DLCĐ một cách bền vững, đảm bảo phát huy bảo tồn giá trị văn hóa. Các sản phẩm du lịch trải nghiệm, cảnh quan văn hóa được xây dựng tại mỗi điểm đến, địa phương còn trùng lặp…
Để phát triển DLCĐ bền vững, thời gian tới rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của ngành trong việc tổ chức thực hiện, sự quyết tâm của các địa phương và người dân tích cực tham gia chung tay xây dựng góp phần phát triển kinh tế – xã hội.