Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hai tháng cuối năm 2024 sẽ là thời gian tăng tốc quyết liệt của các ngành hàng với mục tiêu mới nhất là đưa kim ngạch xuất khẩu cán mốc kỷ lục khoảng 60 tỷ USD.
Số liệu 10 tháng năm 2024 cho thấy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước. Sáu mặt hàng có thặng dư thương mại đạt hơn 1 tỷ USD, là: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10,91 tỷ USD; hàng rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD; cà-phê thặng dư 4,33 tỷ USD; gạo thặng dư 3,68 tỷ USD; tôm thặng dư 2,92 tỷ USD và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD.
Tăng trưởng ở hầu hết ngành hàng
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: “Với kết quả này và điều kiện xuất khẩu thuận lợi dịp cuối năm do nhu cầu tăng cao ở nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể sẽ vượt mọi dự báo gần đây, nhiều khả năng sẽ cán mốc kỷ lục hơn 7 tỷ USD”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước tháng 10/2024 ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm (từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản quay lại mốc 1 tỷ USD/tháng. Trong đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh.
Tính đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Một thuận lợi cho ngành tôm Việt Nam là tháng 10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Số liệu 10 tháng năm 2024 cho thấy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước. Sáu mặt hàng có thặng dư thương mại đạt hơn 1 tỷ USD, là: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10,91 tỷ USD; hàng rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD; cà-phê thặng dư 4,33 tỷ USD; gạo thặng dư 3,68 tỷ USD; tôm thặng dư 2,92 tỷ USD và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD.
|
Giám đốc truyền thông VASEP Lê Hằng cho biết: Nhờ các thị trường chủ lực gia tăng nhu cầu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10/2024. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Công bùng nổ với mức tăng 37%; xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, Hàn Quốc tăng 13%.
Bên cạnh hai mặt hàng tăng trưởng mạnh là rau quả và thủy sản thì cà-phê cũng là một trong những mặt hàng có sự bứt tốc mạnh mẽ trong suốt 10 tháng qua. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,157 triệu tấn cà-phê với trị giá gần 4,6 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 40,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, sản lượng cà-phê xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ phục hồi do Việt Nam đã bước vào vụ thu hoạch niên vụ mới 2024-2025 và nhu cầu dịp cuối năm tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu cà-phê sang hầu hết các châu lục tăng và các chủng loại cà-phê cũng đều ghi nhận mức tăng từ hai con số so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản thì hiện Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu cà-phê Việt Nam.
Tập trung vào các thị trường có lợi thế
10 tháng qua, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang khu vực châu Á tăng 17,2%; châu Mỹ tăng 24,7%; châu Âu tăng 34,1%; châu Phi tăng 2% và châu Đại Dương tăng 14,5%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam những tháng cuối năm đối với nhiều mặt hàng chủ lực. Với ngành rau quả, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, đây là thời điểm để doanh nghiệp tận dụng lợi thế.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, đầu tháng 11 vừa qua, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, Cục đã tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 7 (CIIE 2024). Bên cạnh gian hàng quốc gia là khu gian hàng thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng diện tích trưng bày 600m2 của 50 doanh nghiệp chuyên ngành thực phẩm và nông sản chế biến với nhiều đơn vị có năng lực xuất khẩu tốt và thương hiệu uy tín, chất lượng như: TH True Milk, Cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần Hồ tiêu Việt, Công ty CP xuất nhập khẩu Bến Tre… Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu chính ngạch và bền vững sang thị trường Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngoài các thị trường truyền thống, ngay từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp đã nhấn mạnh đến việc khai thác các thị trường có lợi thế tiềm năng mới, trong đó có thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo. Mới đây nhất, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) được ký kết, mở ra cơ hội tăng cường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang thị trường Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cụ thể, Việt Nam đang là một trong ba nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường UAE với giá trị xuất khẩu tăng từ 1,6 triệu USD năm 2019 lên gần 4 triệu USD năm 2023, tăng 139% trong 5 năm. Việt Nam hiện cũng là nguồn cung cá tra lớn nhất tại UAE, chiếm 40-50% thị phần. Ngoài ra, UAE cũng là một trong ba thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thu hút các đối tác nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của nhiều quốc gia, từ ngày 13-16/11/2024, Bộ Công thương tổ chức Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2024 – Vietnam Foodexpo 2024, gồm hơn 500 gian hàng của gần 400 doanh nghiệp đến từ hơn 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam và gần 20 quốc gia/vùng lãnh thổ.