Gần đây, dòng vốn FDI Trung Quốc liên tục đổ vào Việt Nam với rất nhiều dự án đầu tư mới, trong đó có Quảng Ninh. Để đón bắt cơ hội, khai thác tối đa tiềm lực này, tỉnh đã tạo các điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, nhân lực… để thu hút các dự án mới từ thị trường tỷ dân Trung Quốc.
Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai bên đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều thành tựu. Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt nam có biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, có các cặp cửa khẩu đường bộ, đường biển trọng điểm trong giao thương và qua lại giữa hai nước. Tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã hoàn thành chuỗi cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái, tạo liên kết vùng, kết nối Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) góp phần thúc đẩy giao thương, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác đầu tư giữa Quảng Ninh và Trung Quốc.
Chia sẻ tại buổi tiếp và làm việc với tỉnh Quảng Ninh vào tháng 3/2024 vừa qua, ông Bàng Cương Chí, Chủ tịch Tập đoàn An Tín, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc nhận định: Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, thu hút FDI… Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc về các lĩnh vực tài chính, bất động sản, khoa học công nghệ… cũng đang có mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Mong rằng thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa những cơ hội tìm hiểu, khảo sát tại Quảng Ninh để từ đó mở ra những cơ hội để Tập đoàn An Tín cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc khác tìm hiểu, tăng cường hợp tác đầu tư tại Quảng Ninh.
Với quan điểm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển, tỉnh đã chủ động đổi mới trong xúc tiến đầu tư thông qua làm việc trực tiếp với một số nhà đầu tư FDI lớn, tập trung vào các thị trường trọng tâm, trọng điểm, trong đó có các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc… Điều này đang góp phần thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư của Trung Quốc quan tâm tìm hiểu đầu tư vào Quảng Ninh.
Đặc biệt, để đảm bảo các điều kiện để thu hút, triển khai dự án đầu tư, Quảng Ninh chủ động thực hiện các giải pháp đơn giản thủ tục hành chính; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp; thực hiện rà soát lại các dự án sử dụng đất phù hợp, tránh dư thừa, gây hoang hóa, lãng phí; xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả; bổ sung quỹ đất sạch, tiềm năng thu hút các dự án đầu tư mới; chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nhân lực, năng lượng; hỗ trợ đầu tư theo chu trình khép kín từ việc hỗ trợ triển khai thủ tục đầu tư đến hỗ trợ sau đầu tư… để ưu tiên tập trung thu hút đầu tư.
Hiện nay, tại Quảng Ninh, Trung Quốc đang dẫn đầu trong số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) trên địa bàn tỉnh, với 85/159 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đạt trên 4,3 tỷ USD, chiếm 39,1% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Tính từ năm 2023 đến hết quý II/2024, tại các KCN, KKT trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án của các nhà đầu tư tới từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,08 tỷ USD.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, thời gian gần đây, các dự án đầu tư từ Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có mục tiêu hoạt động phù hợp với định hướng ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút của tỉnh đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh, góp phần đẩy mạnh việc hình thành chuỗi các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, điện và sản xuất công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh. Hiện, tình hình sản xuất kinh doanh của các dự án FDI Trung Quốc đều ổn định, có hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh; giúp tạo việc làm, tăng năng suất lao động, tạo giá trị doanh thu và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của tỉnh.