Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về một số nội dung: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Cho ý kiến vào Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, nhất trí với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Qua đó, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy, kiểm soát mà túy. Đồng thời, giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, tăng cường thêm những nguồn lực để đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác này trong giai đoạn mới.
Đại biểu đề nghị lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong hoạt động về đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương để tạo nguồn lực cũng như sự đồng bộ, thống nhất trong phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, về các chỉ tiêu của chương trình, còn một số chỉ tiêu đặt ra ở mức cao, do vậy cần rà soát, căn cứ tình hình thực tế để xây dựng các chỉ tiêu một cách phù hợp, khả thi. Với các nội dung về vốn đầu tư cho chương trình cần phân kỳ đầu tư; việc bố trí vốn cần giao cho các tổ chức chính trị – xã hội để phát huy hiệu quả. Ngoài ra cần bổ sung thêm các giải pháp để hoàn thiện chương trình như: Hoàn thiện thể chế; phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy trong gia đình, cộng đồng;…
Tham gia góp ý vào dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị tại khoản 24, điều 4 quy định về chất thải hóa chất cần xem xét, giải thích khái niệm để đảm bảo gắn với các quy định có liên quan. Bên cạnh đó, cần bổ sung, giải thích các từ ngữ có liên quan đến công nghiệp hóa chất để định vị trong hệ thống công nghiệp quốc gia.
Điều 13 quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất thuộc danh mục đầu tư, kinh doanh có điều kiện, cần bổ sung đối tượng huấn luyện an toàn hoá chất vào hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất. Theo đại biểu, thực tế hiện nay công tác huấn luyện an toàn hóa chất đã được Chính phủ quy định về nội dung huấn luyện, điều kiện, giảng viên huấn luyện, song việc tổ chức huấn luyện tại các đơn vị chủ yếu là lồng ghép với huấn luyện an toàn, bảo vệ an toàn vệ sinh lao động. Trên địa bàn như ở tỉnh Quảng Ninh thì các lĩnh vực liên quan đến sử dụng an toàn hóa chất rất nhiều. Do vậy, nếu không huấn luyện tốt thì sẽ gây mất an toàn và chưa đảm bảo được các quy trình, Do đó đòi hỏi cần phải nâng cao hiệu quả về công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn việc tổ chức huấn luyện an toàn.
Tại điều 19, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về việc vận chuyển hóa chất, nhất là hóa chất nguy hiểm. Tại điều 24 về sản xuất hóa chất cần xem xét quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất theo hướng loại trừ việc cấp giấy chứng nhận đối với loại hình sản xuất tại 1 số dự án công nghệ có giai đoạn sản xuất ra hóa chất nguy hiểm có chủ đích theo đúng quy định và hóa chất này được sử dụng ngay trong công đoạn tiếp theo, không có tồn trữ hoặc bán ra thị trường.
Tại điều 66, quy định về xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó với sự cố hóa chất, trong đó có biện pháp về việc tổ chức, cá nhân vận hành cơ sở hóa chất nguy hiểm không thuộc trường hợp quy định ở điểm a khoản 1 điều 64 có nghĩa vụ xây dựng và ban hành biện pháp phòng ngừa ứng phó với sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất hoặc là tính chất của hóa chất và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Đại biểu đề nghị, cùng với việc xây dựng và ban hành biện pháp phòng ngừa phải xin ý kiến của cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và được phê duyệt biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất để đảm bảo chặt chẽ và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Cho ý kiên đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu đề nghị tại khoản 2, điều 1, cần bổ sung quản lý một số sản phẩm như quảng cáo bằng màn hình LED, phải kiểm soát về nội dung, hình thức quảng cáo, màn hình chuyên quảng cáo của các cá nhân, tổ chức,… vì quảng cáo ngoài trời là một hình thức quảng cáo rất quan trọng nhưng cũng liên quan rất nhiều quy định. Tại khoản 2 trong trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cần bổ sung trách nhiệm, ngoài trách nhiệm của UBND cấp tỉnh cần có phân cấp và ủy quyền cho UBND cấp huyện để thực hiện một số nội dung. Qua đó, để thực hiện một số nội dung quản lý quảng cáo tại địa phương, vì hiện nay luật mới chỉ quy định cho cấp tỉnh trong khi đó các sản phẩm quảng cáo thì rất nhiều trên các địa phương, địa bàn.
Khoản 3, điểm b, Điều 10 hiện nay quy định về xây dựng, phê duyệt tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo, xây dựng và công bố tiêu chuẩn về cơ sở quảng cáo, giao cho tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo xây dựng nội dung này sẽ tạo nên hỗn loạn trong quy tắc ứng xử nghề nghiệp về quảng cáo. Do đó cần phải có quy định rõ là thẩm quyền cấp nào, cấp hội nào thì được thực hiện hay là cơ quan thẩm quyền nào ra quyết định giao nhiệm vụ này, rồi hiệu lực của bộ quy tắc ứng xử đó ra sao.