Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 7/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tham gia góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị đối với nội dung sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập (Điều 3), tại khoản 7, sửa đổi bổ sung Điều 60 của Luật Kiểm toán độc lập hiện hành quy định: Xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập. Theo đó, mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức; 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 5 năm.
Về quy định này, đại biểu đưa ra có hai ý kiến. Thứ nhất đại biểu cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo luật về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 5 năm, nhưng quy định này có khác với quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (là 2 năm). Về quy định nâng mức phạt từ mức đến 50 triệu đồng hiện nay lên tối đa là 1 tỷ đồng, đại biểu cũng cơ bản thống nhất, nhưng chưa thống nhất với mức phạt tiền vi phạm hành chính tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Đại biểu cho rằng mức phạt tối đa 2 tỷ đồng đối với tổ chức là thấp, chưa đủ sức răn đe và chưa tương xứng với sự phát triển quy mô tổ chức kiểm toán độc lập, phạm vi hoạt động, đối tượng kiểm toán đang được mở rộng. Một số công ty kiểm toán lớn có doanh thu trên 500 tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng một năm. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu thêm, nâng mức phạt tiền đối với tổ chức cao hơn cho phù hợp, đề xuất mức tối đa là 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức phạt tiền vi phạm hành chính còn phụ thuộc vào quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại điểm e khoản 1 Điều 3, luật này quy định: Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, (đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức đối với cá nhân). Nguyên tắc này ràng buộc mức phạt giữa tổ chức và cá nhân, làm cho mức phạt của cá nhân cao, còn mức phạt của tổ chức thấp. Do đó, cũng cần đánh giá việc thực hiện nguyên tắc này để sửa điểm e khoản 1 Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp, theo hướng có thể nâng mức phạt đối với tổ chức bằng 3 lần đối với cá nhân, nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức kiểm toán, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán độc lập.
Thứ hai, đại biểu cũng đề nghị không quy định cụ thể mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán tại dự thảo Luật mà để Chính phủ quy định cho bảo đảm sự ổn định của Luật, phù hợp với yêu cầu đổi mới trong xây dựng luật hiện nay; phù hợp với sự thay đổi về quy mô hoạt động, tính chất mức độ vi phạm trong hoạt động kiểm toán độc lập từng thời kỳ. Đại biểu cho rằng khung mức phạt chỉ quy định mức tối đa, không quy định mức tối thiểu, do đó khung mức còn rất rộng; đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về mức phạt phù hợp với vi phạm của tổ chức, cá nhân.
Đối với nội dung về sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước (Điều 4), đại biểu đề nghị bổ sung quy định mở rộng hơn phạm vi sử dụng ngân sách địa phương cho nhiệm vụ chi thường xuyên và hỗ trợ cho cơ quan thuộc bộ, ngành quản lý đóng trên địa bàn, các nhiệm vụ do địa phương giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; hỗ trợ cho địa phương khác nhiệm vụ chi thường xuyên để bảo đảm an ninh trật tự; an sinh xã hội, giảm nghèo (cụ thể như hỗ trợ xoá nhà tạm cho hộ nghèo, hỗ trợ xã nghèo….)
Tại khoản 9, Điều 9, Luật Ngân sách nhà nước hiện hành có quy định ngân sách cấp dưới được hỗ trợ cho đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn nhưng chỉ trong trường hợp huy động lực lượng khi có thiên tai, dịch bệnh… để bảo đảm ổn định kinh tế xã hội, an ninh trật tự của địa phương; khi thực hiện chức năng của mình có kết hợp thực hiện nhiệm vụ cấp dưới và quy định, sử dụng dự phòng hỗ trợ địa phương khác, nhưng chỉ trong trường hợp khắc phục hậu quả thiên tai. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng thêm phạm vi, nội dung địa phương được sử dụng ngân sách cho nhiệm vụ chi thường xuyên, hỗ trợ cho đơn vị trên địa bàn thuộc cơ quan trung ương, địa phương khác.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 khoản, tại Điều 4, quy định quyền hạn cho HĐND cấp tỉnh được ban hành Nghị quyết của HĐND quy định về các khoản thu trên địa bàn ngoài các khoản thu thuế, phí, lệ phí, thu khác trong danh mục đã quy định, đảm bảo nguyên tắc chung được Chính phủ quy định trong Luật Ngân sách nhà nước.