Bước vào đầu tháng 10 âm lịch, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng… đã sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh Tết.
Thị trường chưa có nhiều diễn biến tích cực trong quý cuối năm 2024, sức mua còn ì ạch khiến các doanh nghiệp (DN) không dám mạnh tay lên kế hoạch sản xuất – kinh doanh Tết 2025.
Chuẩn bị từ sớm
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là nông sản trong nước và DN phân phối thì việc chuẩn bị hàng Tết đã được triển khai từ rất sớm.
Tuy nhiên, cơn bão số 3 và số 6 gần đây đã ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản, các DN phải phối hợp với nhà cung cấp và vùng trồng để bảo đảm lượng hàng, giá cả đầu vào cho sản xuất – kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết đơn vị đã phối hợp với các vùng trồng, cung cấp tài chính hỗ trợ canh tác và bao tiêu sản phẩm.
Theo ông Thắng, năm nay Saigon Co.op đầu tư tài chính nhiều hơn để bao tiêu nông sản và đã lên kế hoạch 3 – 6 tháng để chung tay cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với Sở Công Thương TP HCM triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm” nhằm mang đến những sản phẩm xanh, chất lượng cho người tiêu dùng.
“Năm nay, chúng tôi nhận định nhóm hàng phục vụ người lao động bình dân, người yếu thế sẽ tiêu thụ mạnh nên tập trung đẩy mạnh cung ứng hàng hóa giá thấp hơn so với giá hằng ngày. Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với nhà sản xuất, nhà cung cấp dự trữ tăng 30%-40% so với ngày thường đối với nhóm khách hàng yếu thế, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích thích sức mua, đồng hành với nhà cung cấp phát triển thị trường” – ông Thắng nói.
Cụ thể, Saigon Co.op sẽ chuẩn bị khoảng 10.000 tỉ đồng hàng Tết, tăng 20%-50% tùy nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm và các loại đặc sản Tết. Vào những ngày cận Tết, các siêu thị Co.opmart sẽ tổ chức nhiều hơn các chuyến hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ.
Sức mua khó dự đoán, tập trung giữ ổn định giá cả
Theo nhiều DN, sức mua dịp Tết sắp tới cơ bản khó dự đoán bởi người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu hằng ngày và đặc biệt gia tăng độ nhạy cảm về giá. Để giữ ổn định giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong những tháng cuối năm, các nhà phân phối đã liên tục làm việc với nhà cung cấp ngành hàng thịt, cá, tôm, trứng… để thống nhất số lượng và giá cả hàng Tết.
Bà Nguyễn Thị Hương Ngọc, Giám đốc mua hàng ngành hàng fresh (tươi sống) của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, cho hay vừa ký kết hợp tác chiến lược với CPV Food để bảo đảm cung ứng thịt gà tươi chất lượng, giá bình ổn phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.
“Mỗi ngày Bách Hóa Xanh tiêu thụ khoảng 250 tấn thịt gà, trong đó hơn 30 tấn/ngày (khoảng 1.000 tấn/tháng) từ CPV Food. Dự kiến trong những dịp cao điểm như Giáng sinh, Tết âm lịch…, lượng nhập sẽ tăng 30%-50% và giá cả ổn định” – bà Ngọc thông tin.
Về phía nhà cung ứng, nhiều DN sản xuất cho hay nguồn hàng rất dồi dào, bao gồm hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Bà Phùng Mỹ Linh, Giám đốc kinh doanh miền Nam và miền Trung CPV Food, khẳng định dư địa sản xuất của CPV Food còn rất lớn.
Hiện nhà máy của CPV Food tại Bình Phước đang giết mổ khoảng 100.000 con gà/ngày, trong khi công suất thiết kế của nhà máy 167.000 con/ngày. “Công ty sẽ bình ổn giá các mặt hàng. Ngoài ra, sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm chế biến từ thịt để đa dạng món ăn ngày Tết cho khách hàng” – bà Linh thông tin.
Cũng có kế hoạch tung sản phẩm mới, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng cho thị trường Tết, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Bidrico, cho rằng cạnh tranh trên thị trường hiện đại đòi hỏi DN phải luôn đổi mới, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. “Với khuynh hướng sản xuất xanh, Bidrico cho ra đời những sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, bước đầu được thị trường đón nhận khá tích cực” – ông Hiến bày tỏ.
Mùa Tết này, Bidrico tăng sản lượng sản xuất khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, kỳ vọng sức mua sẽ cải thiện do người tiêu dùng vẫn trong xu hướng giảm tiêu thụ rượu bia, thay thế bằng những loại nước giải khát khác.
“Khó khăn cũng rất nhiều, nhất là khi giá đường và một số nguyên vật liệu sản xuất, bao bì nhựa… tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng 6%-7%” – ông Hiến lo lắng. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm, ông Hiến cho hay nếu DN tăng giá bán tương ứng với mức tăng giá thành thì sẽ khó cạnh tranh trên thị trường vì người tiêu dùng không chấp nhận.
Trong khi đó, đại diện một DN cung cấp rau củ, trái cây cho một số hệ thống siêu thị lớn đang lo sẽ khó bán hàng dịp Tết này. “Từ đầu năm đến nay, các siêu thị đua giảm giá để thu hút khách khiến nhà cung cấp bị cuốn vào guồng quay giá rẻ, ảnh hưởng lớn đến doanh số và lợi nhuận.
“Mới đây, siêu thị đưa ra đề bài khó là làm mâm ngũ quả giá rẻ trong bối cảnh nhiều loại trái cây chưng Tết như đu đủ, bưởi đang đứt hàng nên khả năng đến Tết sẽ thiếu hàng, giá cao. Trước nhiều khó khăn, công ty đặt chỉ tiêu bằng Tết năm 2024 chứ không ép doanh số mà không có lợi nhuận” – đại diện DN này bày tỏ.