Việc hàng Việt Nam phải liên tiếp “đối đầu” với hàng giá rẻ từ nước ngoài không phải câu chuyện mới. Hàng Việt đã chuẩn bị tâm thế ra sao cho việc này?
“Cơn sốt Temu” dường như vẫn chưa “hạ nhiệt” tại Việt Nam khi nền tảng này ồ ạt “tấn công” thị trường bằng chính sách giá siêu rẻ cùng hàng loạt các khuyến mãi “khủng”. Sự xuất hiện của Temu nối dài cuộc “đổ bộ” của các sàn thương mại điện tử bán lẻ xuyên biên giới đến Việt Nam thời gian qua.
Trước đó, từ năm 2018, người Việt có thể mua hàng trực tiếp trên AliExpress của Alibaba. Năm ngoái, gã khổng lồ “thời trang siêu nhanh” Shein cũng tiếp cận thị trường Việt Nam. Các nền tảng thương mại điện tử khác như Shopee, Tiktok… cũng sẵn sàng cung ứng đến người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm vô cùng đa dạng, bắt mắt, và quan trọng là có giá cả rất cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng không thể tránh khỏi, nhưng những yếu tố cạnh tranh về giá đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt. Chỉ với việc cạnh tranh về giá trên các sàn thương mại điện tử cũng đủ khiến doanh nghiệp Việt “hụt hơi” trong việc vừa giữ chân khách hàng, vừa tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, không để doanh nghiệp phải “tự bơi” trong sự cạnh tranh hỗn loạn ấy, các Bộ ngành đã ngay lập tức vào cuộc.
Cụ thể, ngay sau khi xác định Temu quảng bá và bán hàng tại Việt Nam khi chưa được cấp phép, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký công văn 8598/BCT-TMĐT gửi các đơn vị thuộc Bộ về việc đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Trong đó, yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong tháng 10/2024 phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thương mại điện tử.
Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, ngay trong tháng 10/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp…
Song song với đó, tận dụng mùa mua sắm cuối năm, ngày 1/11/2024, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 8791/BCT-TTTN về việc hưởng ứng Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên toàn quốc năm 2024.
Nhận diện hàng Việt Nam là một trong những chương trình dài hơi được tổ chức hàng năm, là “điểm nhấn” của Bộ Công Thương trong suốt 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Với việc tổ chức trên quy mô toàn quốc với hàng loạt các hoạt động rầm rộ, đây được coi là sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam thường niên, quy mô lớn, được cộng đồng doanh nghiệp Việt và người tiêu dùng mong đợi.
Đối với các sản phẩm hàng Việt Nam đặc thù như sản phẩm OCOP, với đặc trưng là dù có chất lượng cao song sản lượng hạn chế, Chương trình Vườn ươm OCOP đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và nền tảng TikTok phối hợp triển khai tại 39 tỉnh thành. Tại đây, Chương trình tập hợp các chủ thể OCOP nhỏ, nguồn lực hạn chế để hỗ trợ quảng bá trên nền tảng mạng xã hội. Các chủ thể OCOP được đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, cách kể câu chuyện, xây dựng hình ảnh, tương tác với người mua… Đồng thời, chủ thể OCOP được những người nổi tiếng trên mạng xã hội hỗ trợ quảng bá sản phẩm, bán hàng trên các nền tảng.
Như vậy, có thể thấy, Chính phủ, các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhằm “tiếp sức” kịp thời cho hàng Việt Nam. Việc còn lại là doanh nghiệp phải nỗ lực để nắm bắt cơ hội đó, tạo sức bật cho sản phẩm của mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, nhìn một cách công bằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế nhất định trên sân nhà để cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ Trung Quốc như thấu hiểu được thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có những lợi thế ở những mặt hàng mang tính địa phương như nông sản, hoặc hàng đặc sản, sản phẩm OCOP…
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chiến lược người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đi sâu vào chất lượng sản phẩm, tập trung công nghệ mới, nâng cấp các dịch vụ để phục vụ khách hàng nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tối ưu hoá sản xuất để giảm giá thành.
Nếu không phải Temu, Shopee, Tiktok, Lazada, Taobao… thì sớm hay muộn, các ứng dụng khác, các thương hiệu khác cũng sẽ tham gia thị trường Việt Nam. Lý do là bởi theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số – Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25% một năm. Hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD. Dữ liệu này cho thấy Việt Nam đang trở thành quốc gia tiềm năng với các nhà đầu tư, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới
Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị; đảm bảo chất lượng sản phẩm; rút ngắn thời gian vận chuyển; chế độ bảo hành hợp lý… để gia tăng khả năng cạnh tranh. Nếu tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, hàng Việt Nam vẫn sẽ giữ vững vị thế trên “sân nhà”. Thậm chí, nhìn một cách lạc quan, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc để tiếp cận người tiêu dùng nước bạn.