Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, tỉnh Quảng Ninh đã và đang khuyến khích cũng như tạo cơ hội cho người dân nông thôn chuyển mình, triển khai những mô hình kinh tế mới, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng ưu tiên áp dụng công nghệ nhằm nâng cao giá trị, sản lượng cho nông sản.
Tháng 9 năm nay, Tiệm trà Đường Hoa xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội TikTok. Đây là một trong những cách mà Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Tú lựa chọn để quảng bá cho cây chè Hải Hà. Trên trang TikTok này, câu chuyện về cây chè hữu cơ của vùng chè Hải Hà cùng quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến… được miêu tả tường tận. Nhờ đó, người xem có thể chứng kiến được hết quy trình sản xuất chè của doanh nghiệp. Hiện Công ty này đang có vùng chè nguyên liệu 15ha với quy trình sản xuất hoàn toàn hữu cơ, được giám định thường xuyên từ mẫu đất, mẫu nước, trồng và thu hái thuận tự nhiên, đảm bảo các tiêu chuẩn gắt gao nhất của Đài Loan và Nhật Bản.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Giám đốc điều hành cấp cao (CEO) của doanh nghiệp, chia sẻ: Chúng tôi muốn thị trường thế giới biết đến trà Đường Hoa, trà Hải Hà và Quảng Ninh. Ngoài yếu tố quan trọng là chất lượng, chúng tôi cũng tích cực khai thác thế mạnh từ các kênh truyền thông để đưa hình ảnh cây chè Đường Hoa vươn xa.
Cùng với doanh nghiệp và người trồng chè, chính quyền địa phương mới đây cũng đã tổ chức Lễ hội Trà Đường Hoa năm 2024 nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà Đường Hoa cũng như lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển của vùng chè tới đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, nâng cao giá trị, thương hiệu cho sản phẩm Trà Đường Hoa, một trong những sản phẩm đặc trưng, riêng có của huyện Hải Hà.
Bằng việc khai thác thế mạnh nông sản của địa phương để phát triển kinh tế, nhiều hộ nông dân, chủ cơ sở sản xuất đã có nguồn thu nhập hàng tỷ đồng, trở thành tỷ phú nông nghiệp. Điển hình như anh Đặng Bá Mạnh, xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả). Được triển khai từ cuối năm 2022, đến đầu năm nay, hơn 6ha nuôi tôm 3 giai đoạn của gia đình anh Mạnh đã cho thu hoạch những vụ tôm đầu tiên. Anh Mạnh cho biết, với quy trình chăn nuôi khép kín, cùng hệ thống nhà màng và trang thiết bị tự động để kiểm soát môi trường, độ ẩm, nguồn nước, mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả, ước mang lại sản lượng khoảng 350 tấn/năm, cho thu nhập khoảng 60-80 tỷ đồng. Sắp tới, gia đình tôi cũng đang có định hướng mở rộng quy mô thành 100 ao nuôi và nâng công suất nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sự chủ động của người dân trong áp dụng KHKT, triển khai những mô hình mới đang mang lại đổi thay tích cực cho nền nông nghiệp Quảng Ninh. Bên cạnh đó, để hướng đến nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, giàu có, tỉnh cũng đang tiếp tục hoàn thiện cơ cấu sản xuất trồng trọt gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; duy trì phát triển các vùng sản xuất các loại cây trồng chủ lực. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tỉnh cũng từng bước cơ cấu lại cây trồng theo lợi thế của mỗi địa phương, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản lượng hàng hóa lớn, đa dạng sản phẩm. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân khu vực nông thôn.
Hiện toàn tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Duy trì trên 1.000ha vùng trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 94ha lúa chất lượng cao; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, 46 vùng trồng được cấp mã số.
Tính đến nay, thu nhập bình quân của người dân nông thôn toàn tỉnh đạt trên 73 triệu đồng/người/năm. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD/năm, ngành nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.