Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 29/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về các dự án luật: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Cho ý kiến đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị tại khoản 1 Điều 17, nghiên cứu, chỉnh sửa thành: Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, hiện nay, có rất nhiều quy hoạch (quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất…), do vậy tại bước chấp thuận chủ trương đầu tư lại yêu cầu phải phù hợp với tất cả các quy hoạch là một điều rất khó.
Tại khoản 1 Điều 19 về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của dự thảo luật cần nghiên cứu, chỉnh sửa lại cho phù hợp với chiến lược, phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phù hợp một trong các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
Đối với khoản 2 Điều 47 về Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư công khẩn cấp cần nghiên cứu, chỉnh sửa lại cho phù hợp với Điều 130, Luật Xây dựng số 62/2020.
Tại khoản 3 Điều 99 của dự thảo luật về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp cần nghiên cứu nội dung về quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm toàn bộ danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương. Xem xét, ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định điều chỉnh kế hoạch đối với các trường hợp quy định tại Khoản 7, Điều 81. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 81 của dự thảo Luật; rút ngắn thời gian các địa phương trong triển khai thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn, đồng thời tạo linh hoạt trong điều hành ngân sách cũng như phân cấp cho UBND các cấp.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, về nội dung sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị chỉnh sửa nội dung: Sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn; hỗ trợ cơ quan Trung ương trên địa bàn các nhiệm vụ chi thường xuyên có liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, thực hiện các nhiệm vụ do địa phương giao: mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại (ô tô, tàu, thuyền…); hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia (hỗ trợ Hoàng Sa, Trường Sa…).
Bên cạnh đó, bổ sung quyền hạn cho HĐND cấp tỉnh được ban hành các khoản thu trên địa bàn ngoài các khoản thu do Trung ương quy định (các khoản thuế, phí, lệ phí, thu khác…) đảm bảo nguyên tắc chung được quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Tại khoản 4 Điều 45 Luật Ngân sách nhà nước đề nghị sửa nội dung thành UBND cấp tỉnh tổng hợp, lập dự toán ngân sách địa phương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan theo quy định để tổng hợp, lập dự toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ; đồng thời gửi đến Đoàn ĐBQH để giám sát.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét tham mưu sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền của Thường trực HĐND các cấp để phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương hiện hành; xem xét bổ sung điều khoản quy định việc tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương tự cân đối ngân sách nhà nước trong việc quyết định cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi đầu tư cho các dự án trọng điểm, chi an sinh xã hội, chi bổ sung thêm thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức.
Đối với nội dung sửa đổi Luật Quản lý thuế, đại biểu cũng đề nghị làm rõ các quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; sửa đổi quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.
Làm rõ thêm các nội dung dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị về nội dung thẩm tra dự án quan trọng quốc gia phù hợp với chiến lược, quy hoạch.
Đối với nội dung thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án phải có quy định cụ thể và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, không để xảy ra dự án treo, không có tình trạng kiếu nại, tố cáo. Việc quy định tăng quy mô dự án quan trọng quốc gia cần quan tâm năng lực của các cơ quan tham mưu khi thực hiện phân cấp các dự án về địa phương… Ngoài ra, đại biểu cũng tham gia làm rõ một số vấn đề liên quan đến Luật Chứng khoán: Việc nâng hạng thị trường; đảm bảo an toàn hệ thống chứng khoán…