Gỏi cuốn Việt đang là món ăn được yêu thích ở Malaysia, phủ sóng trên các nền tảng mạng xã hội, được nhiều tiệm mở bán với số lượng hàng nghìn cuốn mỗi ngày.
“Chúng tôi bán được hơn 1.200 cuốn trong một tiếng rưỡi, nhiều khách đứng đợi nhưng hết hàng”, Syahirah Husna, chủ tiệm H&S Brands chuyên bán gỏi cuốn Việt ở Malaysia, chia sẻ.
Syahirah Husna cho hay gỏi cuốn đang trở thành trào lưu ẩm thực ở Malaysia khi ngày càng nhiều tiệm đồ ăn online và cửa hàng lưu động phục vụ món này. Syahirah biết đến món gỏi cuốn cách đây một năm qua các video dạy nấu ăn trên mạng xã hội. Cô và chồng chưa từng đến Việt Nam và ăn món gốc nhưng vẫn mày mò làm thử theo hướng dẫn trên mạng và lên kế hoạch mở một tiệm lưu động bán cho khách địa phương.
Tiệm ăn lưu động của vợ chồng Syahirah mở cửa từ cuối tháng 12/2023, bán tại một khu foodcourt ở Temerloh, huyện thuộc bang Pahang, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 134 km. Từ tháng 5, lượng khách đến tiệm gỏi cuốn của vợ chồng Syahirah tăng đột biến, ngày nào cũng bán hết sau hơn một tiếng mở hàng. Cửa hàng của vợ chồng cô gồm hai chiếc bàn ghép lại, bày các hộp nhựa đựng gỏi cuốn sẵn.
“5 tháng qua, ngày nào chúng tôi cũng phục vụ đều đặn khoảng 1.000 cuốn mỗi ngày, ngày cao điểm lên đến 1.700 cuốn”, Syahirah nói và cho hay khách hàng yêu thích gỏi cuốn vì món này tiện lợi, dùng nhiều nguyên liệu tốt cho sức khỏe.
Mặc dù treo bảng tên là “Vietnam roll” (gỏi cuốn Việt Nam), các món cuốn của tiệm H&S Brands có sự tinh chỉnh để phù hợp khẩu vị của người địa phương. Ban đầu, tiệm bán 5 loại cuốn, hiện tăng lên 12 loại với các loại nhân như thịt bò, gà, thanh cua, cá hồi, vịt xông khói, tôm, kèm rau xà lách, dưa chuột và sohun – món truyền thống Malaysia giống miến sợi Việt Nam. Bánh tráng cuốn sử dụng loại nhập từ Thái Lan.
Phần sốt chấm cũng được thay đổi để hợp khẩu vị người Malaysia. Có hai loại sốt chấm, loại sốt kiểu Thái có vị chua, ngọt và cay, sử dụng ớt đỏ, rau mùi và bột gia vị. Loại còn loại là sốt xanh, sử dụng mayonnaise, sốt xanh thảo mộc, rau mùi, nước mắm và gia vị, có vị béo và cay.
“Thực khách thường gọi sốt xanh”, Syahirah nói và cho biết giá bán 4 cuốn tự chọn vị là 13 ringgit (76.000 đồng), kèm sốt Thái, khách chọn sốt xanh trả thêm 2 ringgit (11.000 đồng).
Hằng ngày, vợ chồng Syahirah mất 3-4 tiếng chuẩn bị nguyên liệu, dọn hàng lúc 17h30 và bán trong vòng 1-2 tiếng, nghỉ vào thứ 5.
Không chỉ bán hàng tại chỗ, Syahirah cũng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng tải video, hình ảnh về quán gỏi cuốn, thu hút hàng triệu lượt xem. Nhiều tiệm gỏi cuốn khác tại Malaysia cũng đông khách tương tự tiệm nhà Syahirah.
Tiệm House of Vietnam rolls bán lưu động tại Semenyih, thuộc bang Selangor, ngày nào cũng “cháy” hàng từ 17-19h. Tiệm này phục vụ hơn 10 loại gỏi cuốn như thanh cua, tôm, thịt bò, gà, thịt xông khói. Các video về gỏi cuốn được tiệm đăng trên kênh TikTok đều hút gần một triệu lượt xem và tương tác.
Hồi tháng 7, gỏi cuốn của Việt Nam được Taste Atlas gọi tên trong danh sách những món ăn nhẹ hấp dẫn nhất thế giới, cùng nhiều món ngon từ các quốc gia châu Á như takoyaki của Nhật Bản hay samosa của Ấn Độ.
Các thực khách Malaysia đều có nhận xét tích cực về món ăn truyền thống Việt, cho rằng đây là món ăn dễ làm, có thể sử dụng đa dạng nguyên liệu, tiện lợi vì được cuốn gọn gàng.
Một số thực khách Việt bình luận món ăn truyền thống du nhập sang nước bạn được biến tấu đẹp mắt, mức giá không quá chênh lệch với món tại Việt Nam.
“Người Malaysia phần lớn theo đạo Hồi nên không sử dụng thịt heo như món gỏi cuốn kiểu Việt, nguyên liệu thay thế của họ khá đa dạng”, Phong Nhiên, 28 tuổi ở TP HCM, nhận xét.