Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước…
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 cần rà soát, xem xét một cách kỹ lưỡng những vấn đề tác động tình hình phát triển kinh tế – xã hội để thấy được một cách tổng quát bức tranh phát triển của đất nước trong năm 2024. Trong đó, đặc biệt là những tác động do cơn bão số 3 (Yagi) trong tháng 9 để xây dựng phương hướng khắc phục cũng như giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, trong đó giải quyết những bất cập trong nội dung các luật đã ban hành. Việc đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đại hội Đảng đề ra từ đầu nhiệm kỳ, năm 2025 cần phải phân tích chi tiết, cụ thể đối với từng lĩnh vực có gắn với tình hình trong nước và quốc tế như: đầu tư công; thu hút vốn đầu tư; năng lượng; biến đổi khí hậu…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Ngoài ra, đại biểu Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối, dẫn đến việc người dân tiếp cận nhà ở xã hội còn khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cùng với các giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị tiếp tục đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Đánh giá thực chất ảnh hưởng của cơn bão số 3; trong đó cụ thể đối với những tác động đến với đời sống người dân để đưa ra các giải pháp khắc phục, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp như: hỗ trợ nhà, rừng trồng, nuôi trồng thủy sản… Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ những bất cập từ cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.