9 tháng/2024, có 8 thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng mạnh nhất.
Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng xuất khẩu mạnh nhất
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9 và 9 tháng năm 2024. Theo đó, Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng xuất khẩu mạnh nhất với 17,96 tỷ USD; tiếp theo là EU (27 nước) tăng 5,51 tỷ USD; ASEAN tăng 3,27 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 2,58 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,75 tỷ USD; các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất tăng 1,31 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 1,21 tỷ USD; Australia tăng 1,13 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung, trị giá xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024 của 8 thị trường này đã tăng 34,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và bằng 86% mức tăng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong quý III/2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với mức trị giá xấp xỉ 11 tỷ USD/tháng. Cụ thể, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong quý III/2024 đạt 32,98 tỷ USD, tăng 12,1% so với con số 29,41 tỷ USD của quý II/2024 và tăng tới 28,1% so với con số 25,74 tỷ USD của quý I/2024.
Tính chung, trong 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 88,16 tỷ USD, tăng 25,6% (tương đương 17,96 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,4% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trong 9 tháng năm 2024, các nhóm hàng chính được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,32 tỷ USD, tăng 46,5% (tương đương tăng 5,5 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 15,48 tỷ USD, tăng 22,8 tỷ USD (tương đương 2,97 tỷ USD); hàng dệt may đạt 12 tỷ USD, tăng 9,1% (tương đương 1 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,02 tỷ USD, tăng 28,8% (tương đương 1,78 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,49 tỷ USD, tăng 25,9% (tương đương 1,34 tỷ USD); giày dép các loại đạt 6,17 tỷ USD, tăng 17,7% (tương đương tăng 929 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, trị giá xuất khẩu của 6 nhóm hàng này đạt 65,49 tỷ USD, chiếm 74% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
EU là khối thị trường có đóng góp lớn thứ hai vào tăng trị giá xuất khẩu của nước ta, vượt qua cả Trung Quốc và ASEAN. Trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu sang Eu đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17%, tương ứng tăng 5,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đạt 44,39 tỷ USD, tăng 4,1%, tương ứng tăng 1,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường ASEAN trong 9 tháng năm 2024 là 27,33 tỷ USD, tăng 13,6%, tương ứng tăng 3,27 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc trong 9 tháng năm 2024 là 18,88 tỷ USD, tăng 6,9%, tương ứng tăng 1,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực khác tăng trên 30% như: Thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) trong 9 tháng năm 2024 đạt 9,28 tỷ USD, tăng 38,5%, tương ứng tăng 2,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu sang Australia đạt 5,03 tỷ USD, tăng 29%, tương ứng tăng 1,13 tỷ USD; xuất khẩu sang các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đạt 4,31 tỷ USD, tăng 43,7% (tương ứng tăng 1,31 tỷ USD).
Chinh phục thị trường bằng chất lượng
Bộ Công Thương đánh giá, thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, thủy sản, dệt may… đang tăng mạnh mẽ. Về nhập khẩu hàng hoá, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, có nhiều lý do để thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Mới đây nhất, ngày 23/10/2024, Công ty TNHH MTV Phân phối Saigon Co.op (SCD) – đơn vị trực thuộc Saigon Co.op và Công ty STC Natural Vina đã tiến hành bàn giao hàng hoá xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là hàng sản xuất trong nước, được Saigon Co.op tinh tuyển từ nhóm hàng tiêu dùng nhanh, mang đậm bản sắc, tinh hoa ẩm thực Việt như nước chấm, bún, phở, gia vị, trà, cà phê…. Toàn bộ các sản phẩm Việt này sẽ được bày bán tại hệ thống siêu thị H-mart thuộc Tập đoàn Hee Chang – tập đoàn bán lẻ danh tiếng của Hàn Quốc với bề dày hơn 30 năm tại thị trường Mỹ với hơn 100 điểm bán trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
Nhận định về tình hình xuất khẩu trong những tháng cuối năm, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều 23/10/2024, ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) – cho biết, xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.
Về thuận lợi, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là “hạ cánh an toàn”; xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức; sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi FED cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.
Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Tuy vậy, thị trường vẫn còn nhiều rủi ro khó đoán định. Đặc biệt, các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt.
Trong mảng xuất khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và đặc biệt là đẩy mạnh chương trình xuất khẩu chính ngạch, bên cạnh khai thác các thị trường chính. Đồng thời, sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA nhằm tạo khung khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.